Rác thải nhựa có thể quay trở lại dưới hình thức nguyên liệu phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất hay bị thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm, phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Trước đó, mỗi người dân cần có ý thức chủ động, hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải tại nhà.
Chị Trần Thị Thanh Thanh (29 tuổi, quận 7) cho biết, bên cạnh phân chia rác nhựa thành các loại chai lọ có thể và không thể tái sử dụng tại nhà, chị còn thường xuyên tích hợp các kiến thức về phân loại rác vào nội dung trên lớp để các giúp học sinh sớm ý thức phân loại rác nhựa, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, cô Lê Thị Kim Thoa (phường Phú Thuận, quận 7) từ lâu đã chủ động thực hiện phân loại rác thành ba loại như đã được hướng dẫn. "Tuy nhiên việc phân loại này cũng gặp khó khăn khi phải giữ riêng các loại rác cồng kềnh để chờ đến lúc thu gom", cô chia sẻ thêm. Thậm chí, nhiều trường hợp rác thải đã phân loại bị gom chung với những loại rác khác, khiến người dân không còn muốn phân loại rác tại nhà.
Theo báo cáo tại Hội thảo "Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam" diễn ra ngày 12/4, chỉ có 0,9 triệu tấn chất thải nhựa được phân loại cho tái chế, tỷ lệ chưa đến 1/3 của tổng số 2,9 triệu tấn chất thải nhựa trên toàn quốc.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự thiếu hoàn thiện của hệ thống thu gom, nguyên nhân dẫn đến rác thải nhựa chưa được phân loại hiệu quả chủ yếu đến từ nhận thức và thói quen của người dân. Bên cạnh đó, thói quen phân loại phần lớn mới dừng lại ở tách riêng một số nhựa để bán ve chai; các loại nhựa còn lại, đặc biệt túi mềm vẫn bị gộp chung vào rác thải sinh hoạt khác.
Đồng hành cùng người dân trong việc phân loại và tái chế hiệu quả rác thải nhựa, hướng đến phát triển bền vững, Unilever không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt trong nỗ lực chung về xây dựng "vòng tuần hoàn nhựa". Ngày 16/6 vừa qua, doanh nghiệp cùng Ủy ban nhân dân quận 7 khởi động chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn" thông qua ngày hội thí điểm "Tách nhựa để tái chế". Qua đó, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Theo đó, từ người dân, cộng đồng địa phương, các cơ quan ban ngành, các tổ chức phi chính phủ đến các đơn vị thu gom, đội ngũ lao động ve chai tự do cũng như những nhà tái chế, nhà sản xuất và các đơn vị phân phối đều có vai trò riêng biệt. Sự phối hợp đồng bộ sẽ thiết lập nên mô hình tuần hoàn biến rác nhựa thành nguyên liệu tái sinh.
Cụ thể, trong chương trình này, hệ thống thu gom, tái chế rác thải nhựa được thiết lập bởi Unilever Việt Nam và Ủy ban nhân dân quận 7 cùng các đối tác gồm đơn vị thu gom và Tái Chế Duy Tân sẽ lần lượt được triển khai trên địa bàn quận 7, đảm bảo rác nhựa sau khi người dân phân loại sẽ được thu gom và xử lý thành hạt nhựa PCR. Tiếp đó, đây sẽ là nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất bao bì các sản phẩm của Unilever và nhiều đơn vị sản xuất khác.
Đồng thời, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động thực hiện phân loại rác sẽ được đẩy mạnh qua các hội nghị, kênh truyền hình quốc gia, báo đài cũng như nhân rộng ở khắp các khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại... trên địa bàn quận. Hoạt động đổi rác lấy quà và trang bị hệ thống thùng rác phân loại làm từ nhựa tái chế sẽ được tiến hành thường xuyên như một cách khuyến khích người dân duy trì thói quen phân loại rác.
Ngay trong ngày hội thí điểm, Unilever đã thực hiện triển lãm về nền kinh tế tuần hoàn giúp người tham dự có cái nhìn tổng quan về vòng đời của rác thải nhựa khi được phân loại, thu gom, tái chế và đưa về phục vụ đời sống. Qua đó, mang đến cái nhìn toàn diện về vấn nạn rác thải nhựa và ý nghĩa từ hành động nhỏ của từng cá nhân trong cộng đồng.
Bạn Lê Trần Hoàng Long (quận 7), sau khi tham gia sự kiện cho biết, chương trình đã giúp bạn thay đổi quan điểm xem nhẹ việc phân loại rác. "Từ nay, tôi sẽ chủ động thực hiện phân loại rác thải để góp phần cho quá trình tái chế nhựa được hiệu quả hơn", Long nói thêm.
Tuệ Minh