Người gửi: Hà Phương
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Nước Nga bao giờ mới thay đổi?
Ngay ngày học cấp 3 tôi đã ấp ủ hoài bão đi du học và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Năm 2000, tôi vinh dự được chính phủ cử đi sang học ở Nga theo diện xử lý nợ của nhà nước. Tôi mừng đến rơi cả nước mắt, cả nhà tôi ai cũng vậy và động viên tôi tiếp tục học tốt.
Buổi đầu khi đặt chân tới thành phố, mấy anh khoá trên nói với tôi đây là thành phố lớn thứ hai của Nga đấy, chỉ sau thủ đô Matxcơva thôi. Vì tôi sinh ra tại nông thôn nên không thấy có gì thất vọng lắm về điều kiện ăn ở của ký túc xá, còn mấy bạn tôi từ thành phố Hồ Chí Minh thì cứ luôn miệng: Nga sao mà thảm quá!
Quả thật ngay lúc ngồi trên máy bay tôi nghĩ cũng hoàn toàn khác, nước Nga tôi luôn nghĩ chỉ đứng sau Mỹ về mọi mặt! Nhưng nhìn đó thành phố đứng thứ hai của Nga có hơn được Hà Nội cái gì không? Nếu đập đi tất cả những thành quả đã được xây dựng từ thời Xô Viết thì nó chỉ là thành phố nghèo nàn và lạc hậu: Các nhà cửa thì cũ kỹ bân bẩn, ký túc xá cũng vậy. Tôi là người thích nói thẳng và không thích cường điệu. Một phòng lớn gồm 5 người tất cả và dùng chung một công trình phụ. Có nhà vệ sinh tự hoại và vòi hoa sen nhưng tất cả đều đã cũ kỹ. Có lẽ nó đã được xây từ lâu lắm rồi. Ngày gia đình tôi làm công trình phụ và có gửi ảnh sang cho tôi. Tôi cứ đùa :"Vậy thì nhà mình có kém gì ở Nga đâu!" cả nhà tôi ai cũng nghĩ là tôi nói vậy chỉ để động viên gia đình!
Tôi cũng biết có trường điều kiện ký túc xá rất tốt nhưng con số ấy là rất ít, chỉ ở một vài nơi ở những thành phố lớn nhưng giá thuê phòng lại rất cao.
Còn thái độ phục vụ thì tuỳ, ở từng nơi có khác nhau nhưng nhìn chung là lạnh nhạt, nhất là những ký túc xá dành cho SV dạng học bổng của Nga. Cả tầng chỉ có một khu dành riêng cho nấu ăn nhưng bếp gas thì thường xuyên hỏng và chạy rất yếu. Nói với họ yêu cầu sửa chữa họ nói là sẽ sửa nhưng bếp gas thì vẫn thế!
Thực phẩm của Nga nói chung là đầy đủ và an toàn có trong các siêu thị. Về thái độ phục vụ thì thế này: ở Việt Nam có câu: khách hàng là thượng đế nhưng ở Nga thì ngược lại. Tiếng Nga những buổi ban đầu tôi còn yếu, có những người bán hàng không giúp, ngược lại tỏ vẻ rất khó chịu.
Đối với người nước ngoài thì chuyện đi lại là vấn đề lớn nhất. Ở Matxcơva khi ra ngoài đường ai cũng có tâm trạng sợ bị "đầu trọc" hay bọn côn đồ tấn công. Nếu bạn đã đọc bài: báo chí Nga nói công bằng hơn về người Việt (đã được đăng) thì bạn sẽ hiểu hơn về thực trạng người nước ngoài nói chung và những người Việt nói riêng tại đây.
Bản thân tôi yêu người Nga và tiếng Nga lắm. Tôi cứ đùa với mẹ là sau này tôi sẽ lấy một cô vợ Nga tóc vàng, hiền lành, hiếu thảo! Nhưng tôi biết cho dù có đi hết cả nước Nga này thì tôi cũng chẳng bao giờ tìm được mẫu người mà mình thầm yêu.
Còn giáo viên Nga? Tôi đã đọc một vài bài về chuyện thầy cô giáo tại Việt Nam độc đoán, sợ sai. Thế thì ở Nga có những thầy cô như vậy không? Câu trả lời là không thiếu. Bản thân tôi đã gặp những thầy cô đứng trước giảng đường và tuyên bố: tao thề sẽ không cho thằng sinh viên nước ngoài nào được điểm 4 (ở Nga cao nhất là điểm 5) cả. Đành rằng trình độ giáo viên, tiến sĩ, giáo sư của Nga hơn ta rất nhiều nhưng những người như vậy tại đây đâu phải là không có. Hằng năm tôi đã rất khổ sở với khoảng 1-2 thầy cô khó tính và chỉ biết hy vọng là mình sẽ không còn gặp những con người ấy nữa.
Thái độ của người dân với người nước ngoài đã hoàn toàn thay đổi họ dùng toàn tiếng lóng để đối xử với người nước ngoài, các vụ đánh đập người ngoại quốc ở đây như cơm bữa nhưng vì sợ gia đình lo lắng lên không ai muốn nói với gia đình về sự thực cả.
Nước Nga hiện cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Nền kinh tế đang xuống dốc (mặc dù vài năm gần đây kinh tế có tăng) và nhất là ngành hàng không của Nga đang thoi thóp và có thể dẫn đến ngừng hoạt động ở một vài trung tâm. Khoa học của Nga thời kỳ này chỉ đạt được điểm 4 (cao nhất là điểm 5 và đây là đánh giá từ phía Nga). Các ngành đặc biệt về công nghệ còn yếu do cơ sở vật chất của các trường còn nghèo nàn. Tỷ lệ giảm dân số của Nga cao nhất thế giới do điều kiện ngặt nghèo của cuộc sống mà người dân không muốn sinh con. Người Nga nói rằng họ đã mất đi cả một thế hệ (đó là thế hệ thanh niên hiện tại) mà để có được một thế hệ mới thì phải mất ít nhất 70 năm. Đất nước Nga sẽ như thế nào khi thế hệ trẻ lớn lên và thu nhập của Nga hiện tại chỉ dựa vào khai thác dầu khí và sản xuất vũ khí. Khi có hỏi bạn sẽ chọn cuộc sống ở đâu? Tôi trả lời tôi sẽ về Việt Nam.
Bản thân tôi vẫn yêu nước Nga đến kỳ lạ. Theo tôi, sinh viên Việt Nam vẫn cần phải học hỏi nhiều từ các thầy cô giáo Nga. Tôi vẫn tin là nước Nga sẽ sớm hồi phục trở thành một đối tác tin cậy của bạn bè thế giới.
Bài này tôi viết không vì mục đích chính trị, không vì bất kỳ cái gì cả vì tôi cũng là một lưu học sinh đang học tại Nga. Tôi chỉ mong các bạn qua bài viết này sẽ hiểu sâu sắc hơn về Nga và có một lựa chọn đúng đắn khi ra học ở nước ngoài. Nước Nga, ta cần học hỏi nhiều nhưng không phải là nước duy nhất để cho các bạn lựa chọn. Tôi cũng mong nhà nước ta sẽ có những chính sách ưu đãi những người tài, những sinh viên, lưu học sinh để họ có điều kiện phục vụ đất nước.
Nước ta sẽ không thua kém gì Nga nếu như mỗi bạn trẻ thực hiện tốt ngay từ bây giờ những nhiệm vụ của mình. Và tôi mong có một ngày tại Việt Nam điều kiện cho giáo viên, sinh viên sẽ được nâng lên rõ rệt để không còn ai phải đặt chân sang học một đất nước mà khi đi người ta cố phải quen như Nga ngày nay nữa.