Thông tin được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Y tế TP HCM, nêu tại họp báo ngày 9/9. Nguyên nhân các y bác sĩ không hài lòng là suất ăn không hợp khẩu vị, món không phong phú, bị nguội...
Theo bà Lan, vấn đề an toàn thực phẩm trong việc cung cấp suất ăn cho các cơ sở cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19 được thành phố đặt ra ngay từ đầu. Ban quản lý An toàn Thực phẩm kiểm tra, thay thế những nhà cung cấp không đảm bảo, thường xuyên khảo sát ý kiến về suất ăn các đơn vị y tế.
"Hiện, chưa có ý kiến phản ánh nào về thức ăn bị ôi thiu hay mất an toàn", bà Lan nói. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đang chấn chỉnh, nấu các suất ăn phù hợp với phần đông lực lượng tại viện.
Trước những phản ánh chủ yếu về thức ăn không hợp khẩu vị tại 5 bệnh viện, bà Lan cho biết đã yêu cầu công ty cung ứng suất ăn có hướng giải quyết. Chẳng hạn, những bệnh viện do các đoàn y tế miền Bắc, miền Trung chi viện sẽ tăng cường các món ăn vùng miền, đa dạng hóa bữa ăn hàng ngày.
Với vấn đề thức ăn bị nguội, bà Lan cho rằng thực tế suất ăn thường được giao lúc 11h, trong khi nhiều y bác sĩ làm việc đến 14h chiều mới dùng bữa. "Chúng tôi đã đề nghị các nơi cung cấp suất ăn phải bàn bạc lại khung giờ giao cơm, có khu vực bảo quản thức ăn mang đến, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu cần thì trang bị máy móc như lò vi sóng để bác sĩ đến bữa hâm nóng thức ăn giúp dễ ăn hơn", bà Lan nói.
TP HCM có 218 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng thức ăn trên 1.000 suất. Trong đợt dịch này, hơn một nửa doanh nghiệp đã đóng cửa do không chịu nổi chi phí "ba tại chỗ", chi phí cho công nhân, xét nghiệm và khâu vận chuyển, nguyên liệu... Số còn lại đang nỗ lực vượt khó, bảo đảm nguồn cung ứng suất ăn cho nhân viên y tế, người bệnh tại các cơ sở cách ly, bệnh viện.
"Trong môi trường bệnh viện, bệnh nhân mệt mỏi vì bệnh tật, y bác sĩ căng thẳng vì công việc nên ăn uống khó ngon miệng, đòi hỏi các công ty phải hết sức nỗ lực", bà Lan nói và nhấn mạnh rằng sức khỏe nhân viên y tế cũng như của bệnh nhân đều trông mong rất lớn vào chất lượng các bữa ăn. "Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, TP HCM vẫn luôn cố gắng tìm kiếm nhà cung cấp suất ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng".
Hôm 6/9, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM nêu ra hàng loạt bất hợp lý với y bác sĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần nhân viên y tế.
Tại các bệnh viện dã chiến TP HCM, một bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc 140-150 F0, mỗi tua làm việc 8-10 giờ sau đó phải làm việc hành chính... Trong khi đó, suất ăn hàng ngày nhiều lúc không hợp khẩu vị. Nhân viên y tế nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác được điều chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn cũng chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh là 80.000 đồng một ngày, thay vì 120.000 như trước.
Bà Lan cho rằng TP HCM phải có những phần riêng biệt cho nhân viên y tế để họ có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe tiếp tục tham gia công việc. "Lực lượng tuyến đầu nếu không may trở thành F0, cần được tiếp tục áp dụng suất ăn như cũ thì sẽ phù hợp hơn", bà Lan nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết chính sách chăm lo tuyến đầu chống dịch được TP HCM thực hiện xuyên suốt từ trước đến nay. Theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, có hai nghị quyết được ban hành liên quan đến phụ cấp cho lực lượng y tế tuyến đầu, tiền ăn mỗi người là 80.000 đồng một ngày. Thời điểm đó, TP HCM nâng hỗ trợ mức tiền ăn của lực lượng tham gia chống dịch là 120.000 đồng mỗi người một ngày.
Chi phí lưu trú dành cho lực lượng y tế, y bác sĩ tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân Covid-19 nhằm tránh trường hợp lây nhiễm cho người nhà tại các quận và TP Thủ Đức không quá 450.000 đồng/người/ngày, cấp huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, với những cơ sở y tế công lập, bệnh viện chuyển đổi công năng, thành phố bảo đảm các chế độ hưởng lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, trên tinh thần không giảm. Nhân viên ở các cơ sở không điều trị Covid-19 tình nguyện đến tham gia tuyến đầu cũng được hưởng các chế độ tương tự. Gần đây, thành phố đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch (từ 1,5 đến 10 triệu đồng). Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng chung tay hỗ trợ cho y bác sĩ.
Bên cạnh đó, ông Châu cho biết vừa qua có "một số trục trặc nhỏ" liên quan đến vấn đề chăm lo nhân viên trong các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến mới thành lập. "Đây là những trục trặc, sơ sót trong quá trình tổ chức. Thành phố cũng sẽ chấn chỉnh và điều chỉnh vấn đề này", ông Châu nói.
Phó Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh thành phố xem đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, đồng thời luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ tuyến đầu yên tâm công tác. "TP HCM luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cùng chăm lo cho lực lượng này", ông Hải chia sẻ.
Hiện, thành phố có trên 177.300 nhân sự tham gia chống dịch, trong đó hơn 24.000 người từ các Bộ ngành hỗ trợ. Thành phố cũng cử 312 tổ công tác với hơn 1.300 cán bộ hỗ trợ TP Thủ Đức và các quận, huyện.