* Bayern - PSG: 2h thứ Hai 24/8, giờ Hà Nội.
Dễ dàng thống trị bóng đá Pháp bằng đội hình nhiều ngôi sao tiền tỉ, nhưng PSG cũng phải đối diện áp lực khổng lồ, mà mùa này là bằng chứng. Trận thắng Real Madrid 3-0 ở trận ra quân Champions League mùa này được tiếp nhận bằng những lời khen lên mây, nhưng ngay sau khi thua trận đấu sân khách đầu tiên của mùa giải, dưới tay Rennes, Thomas Tuchel lập tức bị nghi ngờ.
Tờ Le Parisien trích lại đoạn hội thoại "nghe lỏm" được, khi cầu thủ bước ra xe buýt về khách sạn: "Cậu có hiểu hệ thống hôm nay chúng ta thi đấu không?", báo này trích dẫn. L'Équipe thì nhấn mạnh lại thông điệp khi mùa giải mới bắt đầu: "Tuchel chỉ có năm tháng để khẳng định khả năng".
Có một xu hướng chung ở Pháp, là giới bình luận viên và truyền thông thể thao không ưa các HLV nước ngoài. Khi thắng, họ dễ dàng đẩy lên mây, hệt những gì Tuchel nếm trải. PSG là đội bóng Pháp đầu tiên hạ Man Utd ở Old Trafford, và thành tích ở trận lượt đi vòng 1/8 Champions League mùa trước cũng được tiếp nhận với thái độ như khi hạ Real Madrid mùa này. L'Équipe đưa Tuchel lên trang bìa, với dòng tít: "Le chef d’orchestre", nghĩa là "Nhạc trưởng".
Không cần phải nói thêm phản ứng của họ khi PSG thua Man Utd chung cuộc, với một quả phạt đền bởi VAR ở phút 90+4. Tuchel trở về vạch xuất phát, với định kiến và sự kỳ thị quen thuộc dành cho những nhà câm quân ngoại quốc - điều mà người tiền nhiệm Unai Emery và ngay cả HLV huyền thoại Marcelo Bielsa cũng phải hứng chịu.
Định kiến ấy giống kiểu tháng 12/2015, cựu cầu thủ Franck Leboeuf nói rằng Lucien Favre (người Thụy Sỹ) chẳng có gì hơn Juninho (người Brazil, nhưng đã sống ở Pháp cả thập kỷ) trong cuộc đua ngồi ghế HLV Lyon, sau khi Hubert Fournier ra đi. Favre có 24 năm kinh nghiệm huấn luyện, vừa đạt thành tích đưa Monchengladbach dự Champions League. Juninho thì chưa cầm quân trận nào.
Tuchel cũng từng bị nghi ngờ như vậy khi đến PSG, vì ông mới chỉ đoạt một Cup Quốc gia Đức với Dortmund năm 2017. HLV người Đức bị mổ xẻ từ mọi hướng: Từ tính cách độc đoán, cư xử lạnh lùng, đến thói quen ăn kiêng và quốc tịch.
Tháng 5/2019, một cựu tuyển thủ Pháp khác, Christophe Dungary chia sẻ với Peter Zeidler, cựu HLV người Đức từng dẫn dắt Tours và Sochaux, về cách huấn luyện của Tuchel: "Họ đồn rằng để làm việc với Tuchel, cầu thủ cần có trình độ chiến thuật ở mức cao. Tôi không nghĩ có nhiều cầu thủ thủ đáp ứng được yêu cầu đó. Liệu nó có cản trở ông ấy thành công?". Nhưng khi PSG của Tuchel hạ gục Man Utd trên sân đối phương, Dungary là người đầu tiên nói trên sóng truyền hình: "Hoan hô Tuchel".
Ở Đức, quan điểm về Tuchel cũng chia thành hai luồng. Khả năng chuyên môn và đặc biệt tư duy chiến thuật của ông chưa bao giờ là vấn đề. Nhưng ông bị cho là cứng nhắc, không thân thiện, đặc biệt sau vụ mâu thuẫn với Giám đốc Điều hành Hans-Joachim Watzke của Dortmund - người rất được kính trọng tại Đức.
Nhưng ở Pháp, Tuchel bị nghi ngờ về mọi phương diện. Người Pháp tò mò muốn tìm hiểu vị tân HLV của PSG này là ai, có thật sự tài giỏi không. Hai cuốn tiểu sử về Tuchel được xuất bản bằng tiếng Pháp, và xu hướng "khám phá" ông không dừng lại.
Sự thực là cái ghế của Tuchel thuộc dạng nóng nhất trong giới HLV. Không chỉ liên tục bị soi xét từ mọi phía, ông còn chịu sức ép từ nội tình đội bóng. Đây là đội đã đổ cả tỉ USD để xây dựng một PSG, niềm tự hào của Qatar. Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi đầy bí ẩn bị điều tra vì cáo buộc hối lộ trong cuộc vận động đăng cai World Cup 2022, cũng như chi tiền cho người đại diện của Javier Pastore trong vụ chuyển nhượng năm 2011. Mối quan hệ của Tuchel với Giám đốc Kỹ thuật Antero Henrique trong năm đầu tiên cũng rất căng thẳng.
Tuchel phải quản lý một phòng thay đồ có hai cầu thủ hơn 200 triệu euro, Kylian Mbappe và Neymar. Những người khác cá tính không kém: Angel Di Maria, Pablo Sarabia, Edinson Cavani và Mauro Icardi. Họ không chỉ là cầu thủ, mà còn là danh dự của giới chủ trong thương vụ đầu tư đầy tốn kém. Sau khi mua Neymar từ Barca năm 2018, Al Khelaifi nói: "Trước khi có Neymar, đội bóng trị giá một tỉ bảng. Bây giờ là 1,5 tỉ".
Alastair Campbell là cố vấn truyền thông và chiến lược lâu năm của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ông cũng từng phỏng vấn nhiều HLV bóng đá nổi tiếng để nghiên cứu về thuật quản trị. Vị chuyên gia này nói trên The Athletic về sức ép tương tự kiểu Tuchel: "Không chỉ phải quản lý những người dưới mình, bạn cần phải kiểm soát được những người ở cấp trên và các chuyện xung quanh. Khi nhận yêu cầu từ ông chủ, người chịu áp lực là anh. Tôi chắc rằng không ai tiêu biểu cho vị trí này hơn các HLV Chelsea thời Roman Abramovich. Họ đều có khả năng quản lý các vấn đề bên trên rất tinh xảo".
Trước khi sang PSG, Tuchel là HLV của Mainz và Dortmund. Đấy đều là những đội mạnh, nhưng không sở hữu các ngôi sao có ảnh hưởng như Neymar. Tuchel thường chỉ quan tâm đến trận đấu, tổ chức buổi tập, cùng lắm là khâu chuyển nhượng. Khi ngôi sao sáng nhất ông từng huấn luyện, Pierre-Emerick Aubameyang, trở về Đức muộn sau những buổi tiệc tùng ở Milan, Tuchel lập tức loại bỏ anh khỏi đội hình thi đấu.
Chuyện ở PSG không đơn giản như vậy. Chỉ cần Neymar phải xách một chiếc túi đựng dụng cụ tập luyện, tiền đạo này sẽ lập tức lên trang nhất các báo. Thời Unai Emery, Neymar tự ý bỏ buổi du lịch tập thể Disneyland tại Paris, trở về Brazil không báo trước, đi khám răng và đăng lên mạng xã hội hình ảnh tụ tập ăn đồ nướng với bạn bè. Nhưng Emery cũng phải "ngậm bồ hòn, làm ngọt".
"Điều quan trọng nhất là thích nghi", The Athletic dẫn lời một nguồn tin là bạn của Tuchel về giai đoạn ông làm việc ở Dortmund và Mainz. "Anh cần phải hiểu được tình hình ở các CLB. Có đội cần HLV kiểm soát các khía cạnh chuyển nhượng. Có đội chỉ cần anh làm chuyên môn. Tuchel ở trình độ cao nhất tại Đức trên mọi khía cạnh, nhưng không thể bê một công thức đến làm việc ở mọi nơi".
Tuchel không thể loại bỏ Neymar như cái cách Sir Alex Ferguson loại bỏ David Beckham ở Man Utd trước kia. Các HLV kỹ trị thường có xu hướng tách bạch công việc với quan hệ cá nhân. Mauricio Pochettino giữ khoảng cách với cầu thủ Tottenham. Luis Enrique hiếm khi thân thiết với các ngôi sao Barca. Nhưng Tuchel cũng không thể làm vậy với Neymar. HLV này chọn cách tham gia cùng Neymar, đưa anh vào trung tâm dự án của ông.
Về mặt chiến thuật và tính cách, Tuchel không thay đổi. Ông vẫn tự tay xếp từng marker trên sân tập, cắt còi sau một đường chuyền không ưng ý, điều mà đã có lúc Julian Draxler mô tả là "không hiểu nổi". Ông sẵn sàng cho Mbappe ngồi dự bị vì cầu thủ này đến sân tập muộn. Nhưng với riêng Neymar, Tuchel hoàn toàn xóa bỏ các rào cản chiến thuật để cầu thủ này được thi đấu tự do. Truyền thông Pháp thậm chí cực đoan gọi nó là chiến lược "anti Emery". Nhưng các cầu thủ khác hiểu rằng, nó là việc xuống nước trước một tài năng thật sự.
Khi ông chủ Al Thani đích thân gọi điện mời Tuchel ở lại thêm một mùa giải với PSG, đó chẳng khác nào gia tăng quyền lực cho nhà cầm quân người Đức. Việc Giám đốc Kỹ thuật Henrique bị phế truất ở mùa này để nhường đường cho Leonardo quay về, là động thái nữa cho thấy chiến thắng của Tuchel trong trò chơi quản trị. Với Leonardo, người từng làm việc ở PSG thời HLV Carlo Ancelotti từ 2011-2013, Tuchel được bật đèn xanh chiêu mộ những cầu thủ ông muốn, đơn cử là các tiền vệ Gueye và Ander Herrera.
Chiến thắng của Tuchel cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh khách quan, khi PSG bị UEFA điều tra tài chính, đặc biệt sau các thương vụ Mbappe và Neymar, khiến hành tung của Chủ tịch Al Khelaifi phải kín đáo hơn. Ông hạn chế dự khán, ít khi vào phòng thay đồ. Sự có mặt của ông từng là ám ảnh với Laurent Blanc, người luôn ở tâm thế sợ mất việc, vì Al Khelaifi có quan hệ thân thiết với nhiều cầu thủ chủ chốt. Blanc, có lúc, trở thành bù nhìn.
Chưa hết, Al Khelaifi còn tuyên bố vào mùa Hè: "Thời của các ngựa chứng đã hết". Thông điệp dường như dành cho Neymar. Nhưng nó cũng là cách giao chỉ tiêu công việc cho Tuchel: Max Allegri, Pochettino, trước đó là Jose Mourinho đang thất nghiệp, Tuchel đã được tin tưởng trọn vẹn, nên nếu không hoàn thành, ông sẽ phải ra đi.
Các chiến thắng trước Man Utd mùa trước, Real Madrid mùa này và hành trình đưa PSG vào chung kết Champions League đã khẳng định tài năng về mặt chiến thuật của Tuchel, giúp ông vượt qua định kiến ban đầu của người Pháp. Nhưng nó cũng cho thấy khả năng điều đình quá tốt trước áp lực tứ phía của nhà cầm quân này, giúp ông được tôn trọng hơn ở khía cạnh là một nhà quản trị (Manager)
Khi chiến thắng, những gì ông làm luôn được ủng hộ. Trở thành HLV đầu tiên đưa PSG vào chung kết Champions League đồng nghĩa với khả năng Tuchel được gia tăng quyền lực trong các năm sau là rất lớn. Nếu vô địch, thậm chí, ông sẽ là một tượng đài.
Đỗ Hiếu