Khu ruộng ông Hiển thuê rộng gần 2 ha nằm ven đê sông Phủ, thuộc khu vực Đồng Tùng, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tối 19/10, ông Hiển cùng vợ và con trai đội đèn pin trên đầu, mang xô nhựa, đi bộ men theo bờ ruộng nhỏ đến cửa xả của mương nước để bắt rươi.
Đây là vụ thu hoạch rươi thứ hai của gia đình ông Hiển, sau lần đầu thử nghiệm cuối năm 2021. "Ngày thuê ruộng, đắp bờ để tạo lòng chảo làm rươi và trồng lúa, nhiều người bàn tán sau lưng nói đầu óc tôi có vấn đề. Họ lập luận vùng này không có rươi, đầu tư chỉ mất công và tốn tiền, chuốc bực vào thân. Đến bây giờ thì ai cũng hiểu kế hoạch của tôi", người đàn ông 55 tuổi kể.
Rươi thường sống ở vùng nước lợ cửa sông, cửa biển. Con trưởng thành dài 7-10 cm, thân hình dẹp ngang khoảng 0,5 cm. Màu rươi hồng hoặc xanh phụ thuộc nguồn nước.
Cánh đồng rộng hàng chục ha tại Đồng Tùng xưa nay trồng lúa, song canh tác không hiệu quả nên nhiều hộ bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, bờ lầy lội, cỏ um tùm. Trước đây vùng này có rươi, song khi làm hoa màu, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất khiến loài này khan hiếm, ít xuất hiện.
Ông Hiển cho biết, TP Hà Tĩnh không phải là nơi thích hợp để rươi sinh trưởng và phát triển. Ở Hà Tĩnh, rươi nhiều nhất là ở huyện Nghi Xuân, Đức Thọ. Hơn hai năm trước, trong lần được UBND phường Đại Nài cho đi tham quan mô hình làm rươi ở Hải Phòng, thấy hiệu quả, ông thầm nghĩ "địa phương đang bỏ hoang ruộng, hay mình thử làm thuần phục rươi xem sao".
Ý tưởng được sự ủng hộ của gia đình lẫn chính quyền địa phương. Sau nhiều tháng đi thuyết phục người dân, ông Hiển được họ đồng ý cho thuê gần 2 ha ruộng. Đầu năm 2021, ông bắt đầu thuê máy cày xới nhuyễn đất để tạo môi trường sống giúp rươi sinh trưởng, phát triển.
Vì rươi chỉ sống trong môi trường nước sạch, ông Hiển tính toán tận dụng nước của sông Phủ bên cạnh ruộng. Thời gian đầu, ròng rã suốt nhiều tháng, ông cùng vợ dầm mình giữa đồng để làm cỏ, đắp bờ cao trên những thửa ruộng đã thuê, tạo thành lòng chảo để nước sông chảy vào nuôi rươi.
Được địa phương hỗ trợ kinh phí, ông Hiển trích ra xây cống và mương bê tông dài khoảng 3 m để tạo cửa. Khu vực này sẽ bố trí một bọc lưới lớn, khi thủy triều lên thì đóng cống giữ lại nước. Thủy triều xuống thì mở cống để nước chảy ra, rươi sẽ trôi theo dòng nước về phía cửa, lọt vào bọc lưới đã giăng sẵn.
"Ngoài gọi điện hỏi kinh nghiệm của những người làm rươi ở miền Bắc, tôi lên mạng tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm. Trong bữa cơm, câu chuyện vợ chồng đề cập luôn là rươi, nhiều hôm nằm ngủ cũng mơ thấy chúng", ông Hiển nói.
Tháng 8/2021 bắt đầu thu hoạch vụ rươi đầu tiên, ông Hiển kể rất hồi hộp, thầm nghĩ nếu không thành công thì "sẽ bị chê đến muối mặt, không còn lỗ mà chui". Đêm cuối tháng 8 âm lịch, trời se lạnh, mưa phùn, cả gia đình ông Hiển tập trung ngoài ruộng để theo dõi thành quả.
Mở nắp cống, soi đèn giữa ruộng thấy nhiều con rươi bơi nhanh theo dòng nước về cống, ông Hiển nói với vợ "thành công rồi". Vợ chồng nhìn nhau xúc động, tất bật giơ lưới bắt rươi bỏ vào chậu nhựa. Vụ rươi đầu tiên, gia đình ông Hiển thu gần 4 yến rươi, bán một kg 500.000-600.000 đồng, được 20 triệu đồng.
Hiện tại ông Hiển bước vào vụ thu hoạch rươi thứ hai, dự kiến kéo dài từ nay cho đến tháng 11 âm lịch. Tùy theo con nước, một tháng ông Hiển ra đồng bắt rươi khoảng một tuần, trung bình mỗi đêm thu 4-5 kg. Dịp này ước tính tiền lời sẽ gấp ba lần vụ trước.
Rươi được coi là thực phẩm bổ dưỡng vì chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm... Ở Hà Tĩnh, con rươi có thể chế biến thành các món ăn như chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng... giá bán 250.000-400.000 đồng mỗi đĩa, mắm rươi bán 500.000 đồng một chai 700 ml.
Để đất không bị hoang hóa, sau vụ rươi đầu tiên, ông Hiển làm mô hình kết hợp, gieo lúa hữu cơ Nàng Xuân trên các khoảnh ruộng rươi. Lúa trồng mỗi năm một vụ, từ tháng 1 đến 4 âm lịch. Theo ông Hiển, ruộng rươi không có hóa chất, mùn từ rươi tạo ra giúp cây sinh trưởng, vì vậy lúa sẽ rất sạch, an toàn.
Vụ lúa đầu tiên, gần 2 ha lúa cho năng suất gần 5 tấn, bán với giá 100.000 đồng một yến, thu về gần 50 triệu đồng. Năng suất trồng lúa bình thường đạt 1,5 tạ một sào, lúa rươi không bón phân, nên mỗi sào chỉ được 1,2 tạ. Với kinh nghiệm tích lũy qua vụ đầu, ông Hiển đặt mục tiêu mỗi năm một sào đạt 1,5 tạ.
Rươi và gạo làm ra đều được thương lái, bà con trong vùng mua sử dụng. Hiện ông Hiển đã mở rộng thị trường tiêu thụ những sản phẩm này ra nhiều huyện trong tỉnh.
Đến nay ông Hiển đã đầu tư vào mô hình nông nghiệp nuôi rươi và trồng lúa hữu cơ khoảng 100 triệu đồng. Từ chỗ bị nói "làm liều", đến nay ông thở phào khi đã khôi phục được rươi, sản xuất lúa ổn định. Vợ chồng dự tính sắp tới vay tiền mua thêm máy cày để cơ giới hóa, nhằm nâng cao thu nhập.
Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TP Hà Tĩnh, cho biết phường Đại Nài có nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, việc tích tụ ruộng để thực hiện mô hình như gia đình ông Hiển giúp khai thác quỹ đất bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với làm nông nghiệp truyền thống.
Nhiều tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương đã áp dụng mô hình lúa rươi, nhưng với TP Hà Tĩnh thì gia đình ông Hiển là người tiên phong, bước đầu thành công. Sắp tới chính quyền sẽ mở rộng hệ thống cống thoát nước và diện tích làm rươi. Ngoài ra, cán bộ chuyên môn sẽ khảo sát, đánh giá điều kiện của các phường, xã để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp như lúa cá, lúa rươi, lúa rạm... kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và xây dựng thương hiệu gạo, ông Hưng cho biết.