Trại gà của anh Lê Đỗ Chinh, 33 tuổi, nằm sâu trong một con ngõ nhỏ quanh co ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa. Đi từ xa đã nghe tiếng gà gáy, tiếng chim cu rừng gù nhau râm ran. "Loài gà rừng khá mẫn cảm với tiếng ồn nên cần nuôi ở khu vực yên tĩnh, ít người qua lại để hạn chế xáo trộn đàn vật nuôi", anh Chinh nói.
Giữa buổi sáng, sau khi ném rổ thức ăn cho bầy gà trưởng thành, Chinh vội quay vào khu chuồng kiểm tra nước và nhiệt độ cho lũ gà con gần tháng tuổi, rồi quay ra thu lượm trứng gà. Theo chủ trang trại, công việc nuôi gà rừng không vất vả nhưng cần tỉ mỉ, chịu khó. Chinh và người vợ trẻ đảm nhiệm hầu hết công việc chăn nuôi trong trại từ thái rau, trộn cám, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại...
Lê Đỗ Chinh từng học Quản trị kinh doanh, một ngành không liên quan chăn nuôi. Vốn đam mê nông nghiệp từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi làm xây dựng ba tháng ở Hà Nội nhưng thấy không hợp nên quyết định về quê khởi nghiệp với đàn gà rừng.
Chinh kể, khi còn là sinh viên, một lần tình cờ đi tham quan vườn bách thú, anh bị thu hút bởi những con gà với bộ lông sặc sỡ, chiếc mào đỏ chót và đôi tai trắng khác biệt. Anh sau đó dành nhiều thời gian tìm hiểu giống gà khác lạ này.
"Tôi nhận định đây là loài gà sáng giá bởi ít người nuôi", anh Chinh nói về cơ duyên đến với nghề nuôi gà rừng tai trắng. Lập luận thêm rằng, "phải tìm hướng đi khác lạ bởi nếu làm nghề ai cũng làm được thì đơn giản quá, dù có thể đối diện nhiều rủi ro".
Năm 2014, sau khi lập gia đình, Chinh quyết định về quê nuôi gà. Anh tận dụng một nửa khu đất vườn hơn 4.000 m2 của ông cha để lại để làm chuồng trại. Không ít người "dè bỉu, chê bai" khi thấy chàng thanh niên trẻ vừa tốt nghiệp cử nhân lại về quê nuôi đàn gà. Song Chinh được bố mẹ và vợ động viên, ủng hộ ý tưởng.
Anh rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, khi lên Tây Bắc lúc lại vào Tây Nguyên tìm mua gà rừng đem về gây giống. Vì chưa có kinh nghiệm nên những con gà ban đầu đưa về đều chết sạch chỉ sau ít ngày. Tiền hồi mừng cưới của hai vợ chồng hơn 100 triệu đồng "nướng hết theo giấc mơ gà rừng tai trắng". Bốn năm đầu khởi nghiệp, Chinh "ném qua cửa sổ" khoảng 500 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, Chinh vay mượn thêm bạn bè, họ hàng tiếp tục tìm mua gà với niềm tin "sẽ thành công trong tương lai gần". Đúc rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, anh lại lặn lội khắp nơi, đến các vùng núi hẻo lánh tìm mua và học cách nuôi những con gà rừng tai trắng thuần chủng.
Nắm bắt được kỹ thuật, Chinh quay về quê quy hoạch lại khu chuồng nuôi. Toàn bộ trại được quây lưới để gà không bay ra ngoài. Đồng thời, anh trồng thêm các loại rau xanh để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho gà, trồng nhiều cây cối cho chúng đậu và ngủ trên cành như trong môi trường tự nhiên.
Anh Chinh kể hồi mới nuôi, anh cho gà ăn quá nhiều nên chúng bội thực, cứ căng diều rồi lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Một lần để ý thấy gà thích ăn rau và trái cây, anh chủ động giảm khẩu phần cám và ngô lúa, tăng hàm lượng củ quả, rau xanh, giun quế... "Loài gà rừng sống trong tự nhiên rất ít thức ăn nên nếu cho ăn quá nhiều cũng không phù hợp tập tính hoang dã của chúng", Chinh nói.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, những lứa gà tai trắng mới liên tục được anh Chinh nhân giống thành công. Hiện đàn gà của gia đình gia đình anh duy trì 2.600-2.700 con, trị giá hàng tỷ đồng. Dù anh liên tục mở rộng diện tích và số lượng nhưng vẫn không đủ nguồn cung ra thị trường.
Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 250-300 con gà, thu về khoảng 50 triệu đồng. Tổng doanh thu cả năm từ trại gà khoảng một tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, Chinh lãi 500-600 triệu đồng.
Giống gà rừng tai trắng trưởng thành chỉ nặng hơn một kg, thịt rất chắc và thơm ngon nên nhiều người tìm mua. Ngoài giá trị thương phẩm, gà rừng tai trắng còn làm cảnh. Do nhu cầu thị trường rất lớn nên anh Chinh chủ yếu bán con giống. Gà con sau khi ấp nở khoảng 2,5 tháng tuổi có giá 500.000 đồng một đôi, gà giống sinh sản khoảng 1,2-1,6 triệu, đắt nhất đến 2,4 triệu đồng một đôi. Giá gà cảnh tùy con nhưng thấp nhất một triệu đồng mỗi con. Thị trường của anh Chinh trải rộng khắp các tỉnh thành.
Sau khi đã dày dạn kinh nghiệm, anh Chinh còn viết sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà rừng. Đều đặn ba buổi tối trong tuần, anh livestream chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc cho những người có cùng đam mê, muốn thử nghiệm nuôi giống gà rừng quý hiếm này.
Theo anh Chinh, nuôi gà rừng tai trắng khó nhất là giai đoạn chăm sóc gà con 1-2 tháng tuổi. Đây là thời điểm gà mẫn cảm với thời tiết nên cần đảm bảo nhiệt độ phù hợp, nước uống đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ...
Ngoài ra, gà rừng là giống hoang dã, dễ căng thẳng, stress nên cần hạn chế tối đa tiếng ồn nếu không chúng sẽ sợ hãi bay loạn xạ, bỏ ăn. Một yếu tố quan trọng khi nuôi gà rừng là trang trại phải có nhiều cây cối, vừa tạo bóng mát vừa có chỗ cho gà trú ngụ cả ngày lẫn đêm mà không cần chuồng trại phức tạp.
"Không thể áp dụng quy trình nuôi gà truyền thống hay công nghiệp vào nuôi gà rừng", anh Chinh nói. Đơn cử như việc tiêm phòng vaccine H5N1, nếu tiêm liều lượng như với gà thường căn cứ độ tuổi thì chắc chắn gà rừng sẽ chết vì sốc thuốc, do trọng lượng loài này thường nhỏ hơn. Do đó, người nuôi phải giảm thuốc để phù hợp đặc điểm sinh trưởng của chúng.
Ngoài gà rừng, trong trang trại của anh Chinh còn kết hợp nuôi hàng trăm con chim cu gáy, mỗi năm cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng. Theo chủ trang trại, cu gáy khá dễ nuôi, nguồn thức ăn tương tự gà rừng nên anh để chúng sinh sản tự nhiên. Chim cu còn có thể thu dọn lượng thức ăn dư thừa từ đàn gà và không cần kỹ thuật chăm sóc đặc biệt.
Anh Chinh mong muốn mở rộng trang trại và phổ biến rộng rãi kỹ thuật nuôi gà rừng tai trắng cho nhiều hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cương đánh giá, trang trại nuôi gà rừng tai trắng của gia đình anh Chinh là mô hình kinh tế hiệu quả cao, đầu ra sản phẩm rất ổn định.
"Gà rừng ăn rất ít nên tiết kiệm chi phí, không tốn công chăm sóc. Chúng lại có sức đề kháng tốt, nguồn thịt giàu dinh dưỡng nên giá trị kinh tế mang lại khá cao", ông Hồng nói và cho hay Hội Nông dân phường đang có định hướng nhân rộng mô hình nuôi gà rừng cho các hộ lân cận. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư con giống ban đầu tương đối lớn nên một số người còn dè dặt.