Một cảnh tượng đông đúc, hỗn loạn đập vào mắt tôi khi tôi còn chưa đến nổi khu vực xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Không có người hướng dẫn, phân luồng. Nếu không cố luồn lách, một người sẽ mất cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Là người bản địa, tôi có thể dễ dàng thông cảm với lực lượng chức năng vì tình trạng quá tải những ngày này, do sự gia tăng bà con Việt kiều về quê ăn Tết. Nhưng tôi không cho rằng du khách quốc tế cũng có sự cảm thông giống tôi.
Thái Lan đã mở cửa lại hoàn toàn sau Covid. Mỗi khi làm thủ tục xuất hay nhập cảnh ở nước này, tôi đều mất không đến 10 phút. Nước bạn có sự phân luồng rất hợp lý, khoa học giống như các nước phát triển. Khu vực nhập cảnh cho người bản địa được bố trí riêng, khách nước ngoài ở khu riêng. Nhưng khi khu vực người nước ngoài có dấu hiệu xếp hàng chờ dài, lập tức có sự phân luồng cho phép đoàn du khách tiếp theo được làm thủ tục ở khu vực của người Thái. Tôi đã đi trên dưới 20 nước, nhưng chưa ở đâu phải chờ đợi lâu và thiếu sự chỉ dẫn khi nhập cảnh như ở Nội Bài vừa qua.
Khoa học tâm lý đã chứng minh ấn tượng ban đầu có vai trò rất quan trọng để lấy cảm tình của người khác. Hàng năm Việt Nam vẫn phải đổ ra số tiền khổng lồ để quảng bá du lịch, cũng như nâng cao chất lượng và tầm vóc của nền công nghiệp không khói này. Nhưng những nỗ lực ấy sẽ giảm đi rất nhiều giá trị, nếu ngay từ ấn tượng đầu tiên chúng ta đã để mất thiện cảm của du khách. Mọi sự hoàn hảo sau đó cũng chưa chắc gỡ lại được "bàn thua đắt giá" ấy. Bởi khi mất đi cảm tình ban đầu, tâm lý người ta sẽ khắt khe hơn rất nhiều.
Khu vực xuất nhập cảnh là nơi đầu tiên du khách tiếp xúc với người Việt Nam, nên được tận dụng để tạo thiện cảm về con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách; bên cạnh khả năng vận hành chuyên nghiệp, khoa học. Nhưng các sĩ quan an ninh quá nghiêm nghị, gần như không bao giờ nở nụ cười và giao tiếp với người làm thủ tục. Tôi hiểu họ đang làm nhiệm vụ. Nhưng trừ khi người nhập cảnh là đối tượng tội phạm cần đấu tranh, tôi cho rằng một nụ cười tươi kèm lời "chào mừng đến với đất nước tôi" của các anh không hề vi phạm điều lệnh, nội vụ hay nghiệp vụ của ngành. Ngược lại nó sẽ tạo ấn tượng rất tốt với bạn bè quốc tế, cũng như những người Việt Nam xa xứ.
Hoạt động của lực lượng xuất nhập cảnh ở sân bay cũng cần được tổ chức tốt hơn, với sự phân luồng, hướng dẫn người nhập cảnh kịp thời. So với nhiều nước, thậm chí ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, công tác xuất nhập cảnh của chúng ta vẫn còn khá "thô sơ". Nhiều nước đã cho phép người bản địa làm thủ tục xuất nhập cảnh rất nhanh, tự động hoàn toàn với máy, không cần giao tiếp với người. Các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia... đều có bước thu thập vân tay, ảnh... của du khách nhập cảnh, nhưng tốc độ xử lý vẫn rất nhanh. Ngược lại, các sĩ quan Việt Nam vẫn đang phải kiểm tra hộ chiếu, so ảnh thủ công bằng mắt thường.
Tôi cho rằng đã đến lúc lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam cần sớm có một cuộc cách mạng cả về định hướng công việc lẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Trong thời đại cạnh tranh du lịch khốc liệt như hiện nay, các sĩ quan xuất nhập cảnh không nên đơn thuần là người đại diện cho quyền lực nhà nước, xét duyệt cho ai đó được bước chân vào lãnh thổ Việt Nam, mà họ còn cần phải hướng tới trở thành người đại sứ đầu tiên của du lịch Việt Nam. Sân bay không phải chỉ là nơi chuyên chở khách, mà phải được nhìn nhận là nơi đầu tiên quảng bá, ghi dấu về cảnh quan, đất nước, con người Việt Nam.
Bằng không, chúng ta đã thua ngay từ giây đầu tiên.
Phan Tất Đức