Chiều 22/3, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đơn vị vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên đàn heo rừng nuôi nhốt trong một khu du lịch ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Hai hôm trước, 6 con heo trong khu du lịch này chết, chính quyền lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi tiêu hủy.
"Chúng tôi nhận kết quả cho thấy các con heo vừa chết đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Vi trí khu du lịch chỉ cách ổ dịch phát hiện trước đó khoảng 3 km. Hiện cơ quan thú y đã triển khai biện pháp tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực này" ông Hưng nói.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch huyện phong Điền cho biết, khu du lịch trên nuôi đàn heo rừng 47 con để phục vụ khách tham quan. "Sau khi có kết quả xét nghiệm, địa phương đã cho đào hố để chuẩn bị tiêu hủy đàn lợn rừng mắc bệnh, trước mắt là những con có dấu hiệu bị bệnh", ông Hùng nói.
Trước đó ngày 18/3, Chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tại nhà ông Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).
Thừa Thiên Huế là tỉnh thứ 19 phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Trước đó ngày 1/2, Hưng Yên trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam có lợn nhiễm virus, các tỉnh, thành còn lại gồm: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Võ Thạnh