Khoảng 3h30 ngày 7/3, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Phong Thu (huyện Phong Điền).
Tại chốt, ông Thọ yêu cầu lực lượng chức năng làm việc nghiêm túc, thực hiện tốt công tác phun thuốc, tiêu độc khử trùng các xe chở lợn qua địa bàn.
"Cán bộ thú y, cảnh sát môi trường và giao thông cần tăng cường phối hợp để giám sát, xử lý kịp thời các phương tiện vận tải động vật cố tình không chấp hành công tác kiểm dịch", ông chỉ đạo.
Theo cán bộ thú y, trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe chở lợn từ các tỉnh phía Bắc đi qua chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1A (xã Phong Thu), cao điểm vào khoảng 3h-5h sáng; tất cả xe chở lợn đều được dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Thừa Thiên Huế đã đến kiểm tra lò mổ gia súc tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế). Đây một trong những điểm giết mổ gia súc lớn nhất tỉnh, trung bình mỗi ngày khoảng 800 con lợn được đưa vào đây để cung ứng thịt cho thị trường.
"Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh và đề nghị lực lượng chức năng cũng như các chủ lò mổ thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ; ghi chép đầy đủ thông tin và đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến nay, dịch lan ra hơn 330 hộ, 49 xã, 20 huyện thuộc 9 tỉnh, thành phố Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình. Hà Nội có một ổ dịch tại hộ chăn nuôi lợn rừng khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên.
Trong cuộc họp ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "chống dịch như chống giặc", "các ngành phải xắn tay áo ngăn chặn dịch". TP HCM kiến nghị lập chốt kiểm dịch tại Đèo Hải Vân, cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để hạn chế dịch lan rộng.
Với 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, trên 10.000 trang trại, thịt lợn hiện chiếm 70% các sản phẩm thịt tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Võ Thạnh