![]() |
Khối gỗ đầu tiên của người dân sau chính sách hưởng lợi từ rừng. |
Sau 4 năm "đóng cửa rừng", đầu năm 2004, thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, huyện Thủy Nguyên lần đầu tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép được "tạm ứng" khai thác 50% sản lượng gỗ từ quy chế hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ rừng của 3 năm, tương ứng với 91,2 m3 gỗ tròn.
Ông trưởng thôn Trần Văn Mua, người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng, cho biết, mô hình này đã làm chuyển biến trong nhận thức của người dân. Từ chỗ đa số người dân chuyên sống bằng nghề phá rừng nay họ đã có ý thức bảo vệ và gìn giữ rừng giống như chính khu vườn của mình. Ông Mua cho hay trước đây ông là "lâm tặc", kiểm lâm không bắt nổi vì mọi ngõ ngách trong rừng ông đều thuộc hết. Cũng chính vì thuộc rừng từng cây gỗ, từng lối mòn... nên bây giờ ông giữ rừng. Chỉ tay vào người đàn ông ngồi bên cạnh, ông Mua cho hay: "anh Huỳnh Ngọc Tô cũng là một "lâm tặc" chuyên nghiệp, khi được thôn giao trách nhiệm làm Tổ trưởng tổ Bảo vệ rừng, anh ta là người hăng hái đi đầu gương mẫu trong mọi nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Không có bất kỳ một vụ phá rừng nào xảy ra trong địa bàn quản lý của thôn".
Ông Tô nói thêm, trong địa bàn của thôn Thủy Yên Thượng có tới gần 2000 ha rừng tự nhiên, nhưng tỉnh chỉ giao có 404,5 ha. Trong khi khả năng bảo vệ và quản lý của thôn là dư thừa nên xin tỉnh giao luôn cho thôn tất cả diện tích rừng này để thôn quản lý luôn một thể.
Đứng trước đống gỗ vừa khai thác hợp pháp từ rừng trong niềm phấn khởi của người dân Thủy Yên Thượng, kỹ sư Nguyễn Phước Bảo Ân, cán bộ kiểm lâm huyện Phú Lộc, người trực tiếp được giao theo dõi mô hình này nhận xét, mô hình "biến lâm tặc thành những người giữ rừng" lần đầu tiên ở nước ta, đã thực sự phát huy hiệu quả.
Từ lúc nhận bảo vệ 404,5 ha rừng tự nhiên với thời hạn là 50 năm, cả thôn Thủy Yên Thượng đều hồ hởi. Các bô lão ngồi lại bàn thảo để cho ra đời bộ "hương ước bảo vệ rừng" với những quy định nghiêm ngặt. Lễ đóng của rừng với đầy đủ tính chất uy nghi được thôn đứng ra thực hiện. Từ đấy rừng được quản lý chặt chẽ bằng chính tai mắt của người dân. Trong vòng gần 4 năm, diện tích rừng được giao thuộc các Tiểu khu 1156, 1174 chưa hề xảy ra một vụ phá rừng nào và sinh khối rừng có chiều hướng tăng trưởng tốt.
Vừa bảo vệ rừng hiệu quả, đồng thời góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân từ việc hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ, sắp tới Hạt kiểm lâm Phú Lộc sẽ tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh nhân rộng ra thêm nhiều thôn khác trong địa bàn để "cứu nguy" những cánh rừng tự nhiên đang có nguy cơ tàn phá cao ở huyện Phú Lộc.
(Theo Thanh Niên)