Công ty tôi chuyên về dịch vụ tư vấn quản trị doanh nghiệp. Thời gian đầu tôi biết mình còn non nghề nên có nhã ý hợp tác với một người có kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm và cùng ý chí như tôi.
Sau sáu tháng, tôi đã đạt được những mục tiêu của mình với lượng khách hàng đủ để trang trải chi phí mặt bằng, lương nhân viên, quỹ phúc lợi cho nhân viên và phần dư để tái đầu tư.
Nhưng cũng chính giai đoạn này, tôi rơi vào khủng hoảng vì người hợp tác kia làm việc không còn trách nhiệm nữa, nhận tiền của khách nhưng không làm,… làm mất uy tín của công ty và cá nhân tôi với khách hàng.
Khách hàng đang có lần lượt bỏ công ty mà đi. Tôi quyết định cho anh kia thôi việc và tự mình phải vật lộn với hàng đống khó khăn. Từ tiền thuê mặt bằng hàng tháng, tiền lương nhân viên, đến tiền… sinh hoạt của tôi cũng đang bị đặt dấu hỏi lớn khi mà trong tay tôi không còn khách hàng nào nữa.
Tôi bắt đầu rơi vào vòng xoáy vay mượn tiền chỗ này đắp vào chỗ khác vì đã hết sạch tiền! Tình thế ngàn cân treo sợi tóc với tôi lúc ấy. Tôi thực sự bế tắc và chán nản.
Gia đình trước đây phản đối thì nay càng có điều kiện trách cứ, nhưng tôi biết trong sâu thẳm ba mẹ và anh chị tôi không muốn tôi ra nông nỗi này và động viên tôi hết mực.
Tôi là con út trong một gia đình gốc nông dân. May mắn cho tôi là ba mẹ rất thương anh em chúng tôi. Do 3 người con đầu không được học hành đến nơi đến chốn nên ông bà rất buồn. Đến tôi là đứa thứ tư, với suy nghĩ “nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học”, và thế là tôi được tạo điệu kiện rất nhiều.
Tôi rất thương và nể phục sự quyết tâm của ba mẹ tôi. Bỏ vùng quê nghèo khó, quanh năm chỉ biết trâu với ruộng đi làm kinh tế mới với hai bàn tay trắng, phải đi ở đợ cho người ta vì không có tiền mua đất và làm nhà.
Nhưng với sự cần cù, chịu khó và tiết kiệm thì ông bà đã lo cho bốn anh em chúng tôi, mỗi người có một cơ ngơi riêng khá tốt. Vì ông bà muốn tôi lập nghiệp trên thành phố nên đã mua một căn nhà ở ngoại thành cho tôi. Tôi thấy mình có phần may mắn.
Không hài lòng với những cái mình có và cũng không thể làm như cách ba mẹ tôi đã lo cho bốn anh em chúng tôi, tôi lao vào kinh doanh. Tôi nói với ba mẹ tôi ra ngoài ở trọ, nhà tôi sẽ để ba mẹ cho thuê lại. Đáp lại quyết định của tôi là sự phản đối của cả gia đình.
Tôi ra đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng và mối bất hòa với gia đình! Thời điểm đó là lúc tôi đã tốt nghiệp được hai năm và đi làm cho một tập đoàn lớn của nước ngoài để tích lũy vốn và kinh nghiệm. Tôi quyết định mở công ty riêng với số vốn chỉ đủ mua vài cái bàn và đóng cọc ba tháng tiền thuê văn phòng.
Đó là khái quát cho quá trình khởi nghiệp của tôi với đứa con tinh thần được gần hai tuổi. Nhưng bây giờ công ty của tôi đang gặp khó khăn.
Tôi suy nghĩ hàng đêm để đưa ra quyết định. Giữ công ty hoặc mất tất cả?
Nếu từ bỏ, tôi sẽ mất danh dự, mất niềm tin vào bản thân tôi và quan trọng hơn, tôi là một người thiếu bản lĩnh, không thể vượt qua được nỗi sợ hãi trong bản thân mình chứ đừng nói đến những khó khăn, gian khổ khác. Điều đó không tồn tại trong một con người doanh nhân.
Còn nếu giữ công ty thì việc tôi cần phải làm là gì? Tôi lại phải thức hàng đêm để suy nghĩ tìm ra hướng đi cho công ty. Tôi đã nhận thấy được cái gốc của vấn đề là chi phí công ty quá cao với khả năng của tôi lúc đó.
Và cuối cùng, tôi cơ cấu lại công ty, từ chỗ ban đầu với 3-4 nhân viên và thuê văn phòng gần trung tâm, thì nay chỉ còn mình tôi vừa làm ông chủ đi gặp gỡ, tư vấn khách hàng vừa kiêm luôn nhân viên giao nhận và giữ xe. Còn văn phòng thì kiêm luôn cả chỗ ăn, ngủ, tiếp khách.
So với thu nhập thời điểm tôi mới đi làm thì tôi đã thất bại. So với quy mô công ty sáu tháng đầu thành lập thì tôi đã thất bại. So với mấy đứa bạn và đồng nghiệp trước đây giờ đang ổn định, có vị trí trong công ty, được đi công tác nước ngoài thường xuyên thì tôi đã thất bại. So với số nợ mà tôi phải gánh chịu thì tôi đã thất bại.
Nhưng tôi đã quyết định giữ công ty, đứa con tinh thần của tôi. Dù có đôi lúc hoang mang và nản chí, nhưng những cuộc gặp gỡ các anh, chị, các chú, các bác là doanh nhân đã cho tôi những giải pháp, chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp để giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau những thất bại trên thương trường, tôi đã bắt đầu lại nhờ học hỏi kinh nghiệm những bậc tiền bối. Tôi đã điều chỉnh lại chiến lược phát triển công ty và tiếp tục kinh doanh. Tôi nghĩ, chưa nói đến yếu tố khách quan, cái cần có ở một doanh nhân là Chí - Tâm - Tầm - Nhẫn để đi theo con đường mình đã chọn và luôn tin ở tương lai.
Chúc các bạn trẻ mới khởi nghiệp gặt hái được thành công và xin nhận chia sẻ của những người đi trước.
Phạm Văn Phú
Chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp của bạn tại đây