
BlackBerry vừa thông báo quý II/2013 có thể lỗ 955 triệu USD. Hãng tuyên bố từ nay đến hết quý I/2015 sẽ phải cắt giảm một nửa chi phí hoạt động, cùng với đó là 4.500 nhân lực bị thôi việc. Hai thông tin trên đã đẩy giá cổ phiếu của hãng xuống 17%, chốt phiên tại 8,73 USD một cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York.
Ryan Cram, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu chứng khoán Charter nói: "Đây thực sự là một thảm họa. Doanh thu quý II của họ chỉ bằng một nửa so với những gì Phố Wall mong đợi". Nguyên nhân chính là BlackBerry thay đổi cách tính doanh thu, dựa trên lượng khách hàng cuối thay vì số máy bán ra cho các kênh phân phối như trường lệ.
Tuy nhiên, dù tính kiểu cũ thì hãng cũng chỉ tiêu thụ được 5,9 triệu máy, thấp hơn con số 7 triệu như kỳ vọng. "Số liệu này có thể còn thấp hơn trong tương lai", ông nói. Theo Ryan, những dòng điện thoại trung cấp mới ra của BlackBerry nhắm vào thị trường đang phát triển không thể coi là một cứu cánh thực sự.
"Android đang càn quét mọi ngóc ngách của thị trường mới nổi. Samsung 'ăn' vào thị phần của các hãng khác. Những cái tên như Ericsson, Siemens, Nokia cố gây dựng lại thương hiệu nhưng gần như là không thể".
Hãng sản xuất smartphone đình đám một thời của Canada tháng trước vừa phải rao bán mình nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào "dám" mua lại một công ty đang không ngừng lao dốc. Vào thời cực thịnh (trước khi các dòng smartphone màn cảm ứng ra đời ồ ạt), các mẫu điện thoại thông minh của BlackBerry (tên cũ Research In Motion - RIM) thống lĩnh thị trường dành cho doanh nghiệp nhờ tính năng bảo mật cao và thiết kế bàn phím tiện dụng cho việc soạn thảo email. Các sản phẩm của hãng có lượng người hâm mộ trung thành khá đông đảo và đã có thời kỳ BlackBerry trở thành trào lưu, một thú chơi của những người dùng di động.
Tuy nhiên, mẫu iPhone ra đời năm 2007 đã khởi đầu một xu hướng dùng điện thoại mới có màn hình cảm ứng, bỏ phím cứng và tạo nên bước ngoặt cho thị trường smartphone. Điều này không chỉ khiến BlackBerry mà nhiều tên tuổi hàng đầu khác như Nokia, Motorola... rơi vào khủng hoảng do không theo kịp được sự phát triển. Mỗi hãng đều có thế mạnh riêng nhưng dần trở nên nhạt nhòa khi người dùng quay lưng để theo xu hướng mới.
Khánh Linh