Năm 2004, công ty TNHH sản xuất - thương mại Hoàng Phúc, TP HCM, quyết định đầu tư mua máy nghiền đá của viện nghiên cứu ở Hà Nội. Hoàng Phúc ký mua loại máy hiện đại, mới 100%, do Nga sản xuất với giá 4 tỷ đồng.
Hợp đồng có hiệu lực, đến hơn nửa năm trời, bên bán mới bàn giao được giàn máy cho Hoàng Phúc. Tuy nhiên, các kỹ sư lắp ráp máy của bên bán về Hà Nội được gần bốn tháng thì lại phải quay vào TP HCM để sửa chữa vì máy… nằm im. Trước đó ít ngày, Hoàng Phúc đã chuyển cho bên bán 90% giá trị máy (3,6 tỷ đồng) theo đúng thỏa thuận. Máy không hoạt động được. Hoàng Phúc liên tục thúc ép bên bán vào sửa chữa nhưng chỉ nhận được những lời hứa hão.
Hoàng Phúc sau đó mời Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm định thì tá hỏa đa số phụ tùng cũ do nhiều quốc gia sản xuất, được xi mạ, sơn phết lại. Một số bộ phận mới như thùng chứa nguyên liệu do Việt Nam tự hàn. Nồi hơi có thể được mua ở Chợ Lớn… Do cấu kiện không đồng bộ nên máy hoạt động trục trặc là điều không tránh khỏi.
Ngay sau khi có kết quả kiểm định, Hoàng Phúc gửi ngay cho bên bán và một số cơ quan để khiếu nại. Vài tuần sau, đại diện bên bán vào TP HCM để làm việc với Hoàng Phúc. Đại diện bên bán đề nghị Hoàng Phúc cứ để cho họ thay thế một số bộ phận hư hỏng, cho chạy thử tiếp một thời gian, nếu không được thì hai bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Trước mắt, bên bán trả lại cho bên mua 10% trị giá máy.
Nghe vậy, Hoàng Phúc đồng ý ngay. Hai bên ký phụ lục hợp đồng với nội dung sau: “Bên bán thay thế một số bộ phận hư hỏng, để máy lại cho bên mua chạy tiếp thời gian và hoàn trả lại cho bên mua 10% giá trị hợp đồng ngay sau khi ký phụ lục này”. Sau khi ký xong, bên bán đã làm cho máy vận hành được. Nhưng chỉ vài ngày nó lại nằm im. Bên mua lại réo nhưng lần này bên bán không chịu sửa nữa. Tức mình Hoàng Phúc nộp đơn kiện. Tuy nhiên, cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn của họ, lý do là: “Trong phụ lục hợp đồng, bên mua đã chấp nhận nhận máy với giá thành được giảm so thỏa thuận ban đầu”.
Theo ông Lê Văn Phiến, Đoàn Luật sư TP HCM, mấu chốt vấn đề ở đây là bản phụ lục hợp đồng. Lúc thỏa thuận bằng miệng, hai bên nhất trí rằng sẽ thay thế các bộ phận hư hỏng, để máy lại cho chạy thử nghiệm một thời gian nữa. Nếu máy chạy không được thì bên bán trả lại tiền, bên mua trả lại máy.
Tuy nhiên, trong phụ lục hợp đồng thì lại khác. Cụm từ “bên bán… để máy lại cho bên mua chạy tiếp thời gian” đã mất chữ “thử” (chạy thử tiếp), trong khi đó, chữ “thời gian” ở đây vô nghĩa. Nhưng chính nó lại có tác dụng đánh lạc hướng người kiểm tra hợp đồng. Đúng ra, trong phụ lục hợp đồng phải ghi rõ ràng chi tiết thời gian chạy thử trong bao lâu, nếu bị hư hỏng thì bên bán phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, câu cuối là một sự khẳng định giá bán chiếc máy được giảm 10%.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Hãy chia xẻ những kinh nghiệm tương tự mà doanh nghiệp bạn vấp phải trong quá trình kinh doanh, tại đây