Bà là vợ của bị đơn Lê Văn Dư, 42 tuổi, trong vụ tranh chấp đất với nguyên đơn Phan Quý (67 tuổi, cựu cán bộ VKSND TP HCM), được TAND TP HCM xử phúc thẩm hôm 1/7. Đồng bị đơn còn có cháu của ông Dư và ông Khâu Văn Sĩ.
Theo nội dung vụ kiện, vợ chồng ông Quý có 3.500 m2 đất trồng cây hàng năm tại phường 15, quận Gò Vấp. Ngày 3/2/2002, họ bán cho ông Sĩ 500 m² đất bằng giấy tay giá 500 triệu đồng.
Đến tháng 4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục bán cho ông Dư và người cháu mỗi người 87 m² bằng giấy tay, giá 435 triệu đồng.
Ông Dư sau đó mua lại toàn bộ phần đất của người cháu và ông Sĩ, lập hợp đồng nhưng không công chứng.
Đến năm 2017, ông Quý cho rằng ông Dư đã xây dựng trái phép trên phần đất diện tích 674 m2 nên đề nghị UBND phường xử lý.
Tháng 6/2017, ông Quý khởi kiện ông Dư cùng người cháu, ông Sĩ, ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên 3 hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây vô hiệu; công nhận 647 m² thuộc quyền sở hữu của ông Quý và ông sẽ trả lại tiền nhận trước đó là 1,36 tỷ đồng.
Theo giá thị trường, khu đất tranh chấp là hơn 10 tỷ đồng.
![Khu đất xảy ra tranh chấp giữa hai đương sự. Ảnh: Hải Duyên.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/03/tranh-chap-dat-8695-1593784196.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KRbaQgMCSWyoaES8wsEqxQ)
Khu đất xảy ra tranh chấp giữa hai đương sự. Ảnh: Hải Duyên.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Quý cho rằng, khi bán đất cho ông Sĩ và người cháu của ông Dư đã thỏa thuận "hợp đồng chưa được công chứng nên các bên không được làm thay đổi hiện trạng đất". Khi ký hợp đồng bán đất ông thông báo cho bên mua là: giao dịch bằng giấy tay nên chỉ được phép xây dựng công trình sau khi ký hợp đồng công chứng và hoàn tất thủ tục đăng bộ nộp trước bạ, chuyển mục đích sử dụng, xin giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, bên mua đã không liên hệ với ông để hoàn tất các thủ tục mà tự ý chuyển nhượng phần đất đã mua cho ông Dư. Do các bên vi phạm thỏa thuận nên ông khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Còn ông Dư cho biết, sau khi mua đất của ông Quý, năm 2013, ông và người cháu bán lại phần đất 174 m2 cho vợ chồng ông Sĩ. Hai năm sau ông mua lại phần đất này cùng 500 m2 đất mà ông Sĩ mua của ông Quý. Tức là toàn bộ 674 m2 đất ông nhận chuyển nhượng lại từ vợ chồng ông Sĩ chứ không liên quan đến ông Quý, nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ông Dư cũng cho rằng nguyên đơn không còn thời hiệu khởi kiện (trong vòng 2 năm) vì hợp đồng mua bán đất với ông Quý được ký từ năm 2009. Đồng thời bị đơn phản tố, yêu cầu tòa công nhận các giao dịch mua bán đất giữa ông với vợ chồng ông Quý và vợ chồng ông Sĩ; tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Quý đối với phần đất mà ông đã mua.
Các bị đơn khác cùng quan điểm và đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu của ông Dư.
Hồi tháng 11 năm ngoái, TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận 500 m² đất này cho vợ chồng ông Quý. Toà buộc vợ chồng ông Quý phải thanh toán cho vợ chồng ông Dư hơn 5,5 tỷ đồng (tương đương giá trị 500 m2 vợ chồng ông Quý nhận lại theo định giá); buộc gia đình ông Dư và những người đang ở trên khu đất phải hoàn trả lại cho vợ chồng ông Quý.
Đồng thời, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng tổng cộng là 174 m2. Ông Dư được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tách thửa, đăng ký quyền sử dụng đất với 174/674 m2 đã mua.
Theo HĐXX, về thời hiệu khởi kiện, các bên ký hợp đồng mua bán từ năm 2009. Tuy nhiên, đến tháng 3/2017, ông Quý mới phát hiện việc ông Dư xây dựng trái phép trên phần đất nhận chuyển nhượng vi phạm thỏa thuận trước đó nên báo chính quyền xử lý. Thời hiệu khởi kiện được tính từ lúc này nên vẫn còn.
Về nội dung, theo tòa, năm 2002 vợ chồng ông Quý bán 500 m2 đất cho ông Sĩ bằng giấy tay khi chưa được cấp quyền sử dụng đối với 3.500 m2 đất tại phường 15 quận Gò Vấp. Theo quy định của pháp luật: "Hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển quyền sử dụng đất cho người khác khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật". Do đó, hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Quý với ông Sĩ không đủ điều kiện và vô hiệu.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Sĩ sau đó nhượng lại cho vợ chồng Dư được hưởng toàn bộ quyền lợi trên 500 m2 đất đã mua nên vợ chồng ông Quý phải trả lại cho vợ chồng ông Dư giá trị 500 m2 đất (tương tương hơn 5,5 tỷ đồng).
Năm 2008, sau khi thay đổi nội dung cấp giấy chứng nhận, vợ chồng ông Quý được công nhận quyền sử dụng hợp pháp trên 3.500 m2 đất tại phường 15. Đến ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý bán cho ông Dư và người cháu 87 m2 đất. Cho đến nay, vợ chồng ông Dư và người cháu vẫn ở trên phần đất này nên HĐXX công nhận các hợp đồng này là có giá trị.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, phía nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. VKSND quận Gò Vấp cũng kháng nghị về nhiều nội dung, đề nghị toà phúc thẩm hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Trong đó, VKS không đồng tình về việc xác định thời hiệu khởi kiện, tòa xác định quyền, lợi ích của nguyên đơn bị xâm phạm kể từ tháng 3/2017 là chưa chính xác. Tòa sơ thẩm cũng chưa làm rõ nhiều nội dung như: điều kiện tách thửa, vị trí đối với từng mảnh đất nhận chuyển nhượng và tranh chấp; việc ông Dư xây dựng trái phép trên khu đất bắt buộc phải tháo dỡ có hay không thuộc diện nhà ở kiên cố...
Trong phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP HCM, phía bị đơn đề nghị thay đổi HĐXX vì cho rằng "chủ tọa là bạn thân của nguyên đơn", ông Quý là cựu cán bộ ngành kiểm sát, con ông này đang là kiểm sát viên VKSND TP HCM... nên việc xét xử không khách quan. Đề nghị này không được tòa chấp nhận.
Sau khi nghị án, HĐXX bác kháng nghị của VKS và kháng cáo của bị đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, toà buộc bị đơn phải trả lại toàn bộ 674 m2 đất cho ông Quý. Ông Quý có nghĩa vụ trả lại phần tiền đã nhận của các bị đơn cùng lãi suất đến ngày giải quyết vụ án.
Theo HĐXX, đây là vụ án tranh chấp "quyền sử dụng đất" nên không áp dụng thời hiệu, như quy định pháp luật. Việc tòa sơ thẩm chấp nhận các hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Quý với ông Dư và người cháu là chưa có căn cứ. Cả ba hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với các bị đơn đều vô hiệu.
Căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND quận Gò Vấp cấp cho ông Quý năm 2008, 674 m2 đất các bên đang tranh chấp vẫn do vợ chồng nguyên đơn đứng tên. Phần diện tích đất ông Dư nhận chuyển nhượng từ ông Quý cũng như mua lại của người cháu, ông Sĩ, chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định và chưa được cấp giấy chứng nhận.
Hơn nữa, theo các tài liệu từ cơ quan chức năng, ông Dư đã xây dựng trái phép trên phần đất mua lại của ông Quý và bị buộc tháo dỡ. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nguyên đơn với các bị đơn là vô hiệu...
Khi HĐXX công bố gần xong bản án, phía bị đơn lớn tiếng phản đối. Bà Hiệp - vợ ông Dư khóc lóc, la hét và lao ra khỏi phòng xử định nhảy lầu nhưng được lực lượng bảo vệ tòa kịp thời ngăn cản.
Trả lời VnExpress, ông Dư cho biết là người giúp việc cho gia đình ông Quý từ năm 1997. Năm 2009, ông vay mượn anh em ở quê và nhiều người mới có tiền mua lại một phần đất cho gia đình mình và người cháu sinh sống. Phần công trình trái phép trên đất thực chất là căn nhà lá được ông Quý dựng lên làm chỗ ở cho người giúp việc từ năm 2002. Sau này gia đình ông Dư cải tạo thay vào bằng mái tôn với ít gạch cũ để làm nơi ở cho cả gia đình. Một căn khác ông cải tạo từ năm 2016 xây bằng gạch đã bị cưỡng chế. Chính quyền địa phương cho phép gia đình ông dựng bạt ở tạm.
Về việc bà Hiệp định nhảy lầu để phản đối bản án, đại diện TAND TP HCM cho biết, trong một số vụ kiện dân sự, hành chính... từng xảy ra trường hợp đương sự có hành động tiêu cực như vậy. Tòa án luôn bố trí lực lượng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dự phiên tòa. "Nếu đương sự không đồng tình với phán quyết của tòa vẫn có quyền yêu cầu cấp cao hơn xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm", ông này nói.
Hải Duyên