Ảnh minh họa: Ywcaw. |
"Mẹ chồng tôi nói 'Mẹ không thể cho con gì được, mẹ không thể ở đây với con và mẹ phải đi thôi'. Con trai lớn tôi hỏi bà 'Bà sẽ đi đâu', bà trả lời 'Bà đi đây, cháu không được theo bà'. Bà đã uống thuốc chuột để tự vẫn. Bà đã nói trước với tôi mà tôi không thể làm gì được. Bà đã quá chán nản và quyết định tự tử. Cô em chồng cũng ra sông tự vẫn", chị Xuân nức nở kể.
Câu chuyện trên được chị Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số đưa ra chia sẻ trong buổi thảo luận về Kết quả nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình tại Việt Nam, tổ chức sáng 29/11. Nghiên cứu được thực hiện đầu năm 2010 với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi.
"Một gia đình mà có cả mẹ chồng, con gái và nàng dâu đều là nạn nhân của bạo lực gia đình. Qua đó, ta có thể thấy được sự liên hệ thế hệ của bạo lực gia đình", chị Tú Anh nói.
Ông Nguyên Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục thống kê cũng cho biết, nhiều phụ nữ có con ở độ tuổi 6-11 tham gia nghiên cứu thừa nhận con họ gặp phải các vấn đề về hành vi như: buồn bã, thường xuyên bị ác mộng, hay đái dầm, hành vi quá hung hăng, kết quả học tập kém...
"Không những thế bản thân những đứa trẻ có thể sao chép những hành vi bạo lực của người bố. Bởi vì trẻ có thể hiểu rằng những gì đang diễn ra là cách mà người lớn đối xử với nhau", ông Phong nói.
Cũng theo ông, bạo lực gia đình cũng là một quá trình học hỏi, tiếp nối giữa các thế hệ. Những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình thì xác suất có mẹ đẻ cũng từng bị cha đánh đập cao gấp 2 lần những chị em khác. Nguy cơ này tăng gấp 3 lần nếu họ có mẹ chồng bị bố chồng đánh.
Với những chị em bị bạo lực thể xác nghiêm trọng thì mối quan hệ này càng thể hiện rõ hơn. Khả năng họ có chồng từng chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực khi còn nhỏ cao gấp 4 lần so với những phụ nữ không bị bạo lực.
Thực tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, gần 19% phụ nữ cho biết họ từng nghe nói hoặc thấy mẹ của mình bị bố đánh. 11% cho biết mẹ của chồng cũng bị bố chồng đánh và hơn 8% cho biết chồng cũng là đối tượng roi vọt khi còn bé.
"Đây là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của trải nghiệm thơ ấu. Nếu nam giới bị bạo lực trong gia đình khi còn nhỏ thì anh ta có nguy cơ trở thành người gây bạo lực với phụ nữ khi lớn", ông Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực gia đình không khác gì nhiều so với các nghiên cứu nhỏ trước đó.
"Việt Nam có Luật Phòng chống bạo lực gia đình được 3 năm nhưng hầu như thực trạng bạo hành trong gia đình không chuyển biến nhiều. Điều này cho thấy Luật chưa đi vào cuộc sống", ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Thực tế, kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cho thấy 60% phụ nữ từng bị bạo lực đã biết về Luật. Tuy nhiên, một thực tế là họ và ngay cả nhân viên y tế, lãnh đạo phường xã khi được phỏng vấn đều không nắm được nội dung chi tiết của Luật.
Bên cạnh đó, theo các nạn nhân, việc phạt tiền đối với những đối tượng bạo lực không có hiệu quả vì tiền nộp phạt lại từ túi vợ. Do vậy, trong thực tế hệ thống xử phạt đang phạt chính phụ nữ chứ không phải phạt người đàn ông gây bạo lực.
Cũng theo ông Lợi, các nội dung quy định trong Luật rất chi tiết nhưng việc tổ chức, triển khai luật quá kém.
Về vấn đề này, ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) cũng thừa nhận việc tuyên truyền về luật phòng chống bạo lực gia đình và đưa luật vào cuộc sống là hai khái niệm không trùng khít với nhau. Công tác tuyên truyền luật, văn bản dưới luật được triển khai rất tích cực thế nhưng nạn nhân của bạo lực gia đình cần đứng lên tố cáo với các cấp chính quyền để có hành vi xử lý.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trước hết để các nạn nhân có thể đứng lên tố cáo thì bản thân những người lãnh đạo các cấp cần thay đổi quan niệm của mình về bạo lực gia đình. Bởi vì thực tế nhiều phụ nữ đã đến gặp cấp có chính quyền để trình báo thì câu trả lời họ nhận được là "Đây là vấn đề gia đình, về gia đình giải quyết" thậm chí là khuyên "im lặng, để giữ êm ấm gia đình"...
Nam Phương
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi