- Khi quyết định công khai chuyện gia đình, chị phải suy nghĩ những gì?
- Tôi đưa chuyện gia đình lên báo chỉ nhằm mục đích cứu bố thôi. Dằn vặt mấy tháng trời tôi mới đồng ý cho người chấp bút đăng lên. Sau này cũng rùm beng với hai luồng dư luận. Một bảo tôi làm thế để đánh bóng tên tuổi, một thì cảm thông bảo nhà ai mà chẳng có chuyện. Tính tôi là vậy, cái gì thuộc về người thân thì tôi bênh vực, rất sợ ai đụng đến người thân của mình.
Công khai gần 1 năm qua, tôi thấy nó cũng giải quyết tốt được việc nhà, nhẹ nhõm cho mình và bố hơn. Không biết mẹ kế có diễn với bố hay không nhưng thấy bảo bố sống tốt hơn. Tính tôi khi bực bội phải nói cho ra, xong thì thôi.
Diễn viên Thúy Nga. Ảnh: Tiền Phong. |
- Trước khi đưa chuyện lên báo, chị nói gì với mẹ và em trai?
- Tôi cho mẹ xem, bảo con có dòng nhật ký thế này mẹ thấy đăng báo được không, mẹ tôi bảo sao viết hiền thế?
Người chấp bút giúp tôi cũng đồng cảm mới viết được như thế. Nghe tôi tâm sự xong, về cô ấy thức cả đêm viết rồi sáng đưa tôi coi, tôi đọc mà khóc quá trời luôn, giữ lại không cho đăng, sợ vạch áo cho người xem lưng. Nhưng nỗi đau cứ lâu lâu lại chồi lên, như núi lửa âm ỉ một ngày phun trào. Tâm sự ra như trút được cục bướu trong người, nhẹ nhõm.
Công khai như thế tốt hơn, người vợ mới của bố sẽ nghĩ lại, vì cũng phải để ý dư luận chứ, dì sẽ đối xử thoáng với bố mình hơn, hiểu rằng mình thương bố, dù xa bố vẫn nhớ chứ không quên. Còn em trai tôi bảo sao chị không kể những chuyện dì hành hạ chị em mình?
Nói chung tôi còn nương nhẹ nhiều lắm, chứ chị Lê Vân thì nói thẳng, tôi không dũng cảm được như chị. Tôi đã đọc nhiều tự truyện nước ngoài. Ví dụ Lưu Hiểu Khánh, bà ấy nói về nghề nghiệp, chuyện bon chen để thành đạt và thành tỷ phú, cảm giác như Võ Tắc Thiên thứ hai, tôi nghĩ ở VN chắc chẳng ai dám viết như vậy. Thế rồi có tự truyện của Lê Vân. Chị Vân quá can đảm, quá chi tiết, chạm đến tận ngóc ngách.
- Đọc tự truyện của Lê Vân, chị thấy thế nào?
- Tôi thuộc lớp nghệ sĩ sau chị rất nhiều, mến phục tài năng và không dám nhận xét gì về cuộc sống của chị. Tôi chỉ nói về cảm xúc của mình khi đọc cuốn Lê Vân yêu và sống thôi, bởi hoàn cảnh của tôi phần nào giống chị. Hôm chị vào TP HCM ra mắt tự truyện tôi đang ở Huế, không dự được.
Quả thực cuốn tự truyện này đã cho tôi nhiều gam bậc cảm xúc. Nói về nỗi khổ thời bao cấp, đúng là cả xã hội khổ, tôi cũng dính một phần của thời ấy. Bố tôi phải xếp hàng từ 3h sáng, hay tin có nhiều nước mắm nên nhờ người về nhà bảo tôi mang can ra, tôi mừng quá chạy ra dẫm phải đinh lủng chân máu chảy lênh láng.
Lúc đầu tôi hơi bực bội khi đọc phần chị viết về bố, sao chị lại trách bố. Tôi quan niệm ai cũng chỉ có một bố một mẹ, dù có chuyện nọ chuyện kia thì cũng là cha mẹ mình.
Theo tôi biết chị Vân đang nuôi bố, ở cùng bố mà âm thầm viết về bố như thế, giống như chị vẫn tròn chữ hiếu nhưng cái hận bố riêng tư thì vẫn để sang một bên, tách hẳn ra, không hoà làm một được.
Nhắc đến chú Trần Tiến là nhắc một nghệ sĩ giỏi, một danh hài vừa bước ra sân khấu người ta đã cười rồi. Thực ra người đàn ông giỏi giang trong nghề nghiệp nhưng về nhà là người bố chưa tròn vai thì cũng không phải quá bất ngờ. Chẳng nói chú Trần Tiến, tôi cũng tìm hiểu nhiều về người mình ngưỡng mộ là Charlie Chaplin, danh hài này theo như sách báo viết về nhà là cáu gắt, cục cằn với vợ con như quỷ ấy. Tôi sinh ra cũng chỉ được ở với bố vài năm rồi bố mẹ chia tay, bố có lo được gì cho tôi đâu, nhưng nghe tin bố khổ sở thì mình không chịu được.
- Đọc hết cuốn sách ấy, trong chị đọng lại điều gì?
- Đọc về tình yêu của chị Vân thì cảm giác bực bội trong tôi dịu lại, bởi đó là tình yêu trong sáng và quá đẹp. Người đàn ông ấy như đóng cả ba vai trò người thày, người cha và người yêu của Lê Vân, nó là thứ tình cảm thiêng liêng không có toan tính về vật chất.
Nghiệm ra đã là nghệ sĩ thì cái khổ trăm phần trăm đều giống nhau, ông trời cho vinh quang thì sẽ lấy đi cái khác: nghệ sĩ có gia đình hạnh phúc ít người nổi tiếng, số phận trớ trêu thì sự nghiệp lại được đẩy lên.
- Cuộc sống của chị dạo này thế nào?
- Vẫn bình thường. Tôi là đàn bà mà tính đàn ông, người ta nói đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm còn mình làm ngược lại, tự xây nhà trước. Xây nhà xong sẽ đón mẹ lên ở cùng.
- Sắp tới đây giới nghệ sĩ có thể bùng nổ tự truyện, chị nghĩ sao?
- Tự truyện theo kiểu phong trào thì không hay, thấy sách bán chạy mà làm thì là kinh doanh rồi. Đọc tự truyện Lưu Hiểu Khánh tôi thấy bà ấy dùng mưu với cuộc sống nhiều, còn Lê Vân vẫn là bản năng, là cảm xúc thật sự.
(Theo Tiền Phong)