Bảng giá đất là công cụ tài chính để Nhà nước xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tại dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến sẽ có những sửa đổi liên quan đến khung giá đất, bảng giá đất.
Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được xây dựng dựa trên nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất. Còn theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì khi xác định giá đất trong bảng giá đất, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ theo giá đất phổ biến trên thị trường chứ không còn xây dựng dựa vào khung giá đất như hiện nay.
Luật sư Phạm Thanh Hữu (Thư Viện Pháp Luật), cho rằng nếu giá đất trong bảng giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh được tình trạng thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...; đảm bảo việc xác định tiền bồi thường khi thu hồi đất phù hợp với thực tiễn (hạn chế tối đa các trường hợp khiếu nại kéo dài liên quan đến mức tiền bồi thường...).
Luật sư Phạm Thanh Hữu cũng chỉ ra những điểm mới tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, thời gian ban hành bảng giá đất được rút ngắn. Cụ thể bảng giá đất tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được ban hành định kỳ hằng năm thay vì 5 năm một lần như trước.
"Do giá đất trong bảng giá đất được xác định theo giá đất phổ biến trên thị trường nên việc rút ngắn thời gian ban hành bảng giá đất là để có thể bắt kịp với giá đất biến động trên thị trường", luật sư Hữu lý giải.
Điểm mới nữa của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là sẽ chỉ còn một căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất; hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động. Đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, căn cứ điều chỉnh bảng giá đất được quy định như sau: "Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp". Như vậy, theo dự thảo thì chỉ còn một căn cứ điều chỉnh bảng giá đất là giá đất phổ biến trên thị trường có biến động.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã bổ sung các trường hợp sử dụng bảng giá đất, đơn cử như: Tính tiền sử dụng đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng; Tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân; Đặc biệt, dự thảo đã quy định trường hợp sử dụng bảng giá đất để tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất.
Hiện nay, theo Luật Đất đai 2013 thì bảng giá đất không được dùng để tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì bảng giá đất sẽ được dùng để tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không ghi giá hoặc có ghi giá nhưng giá thấp hơn giá trong bảng giá đất tại thời điểm chuyển nhượng.
Nhằm giúp khách hàng tra cứu giá đất thuận tiện hơn, website Thư Viện Pháp Luật vừa ra mắt tiện ích tra cứu Bảng giá đất. Đây là là một trong những tiện ích nâng cao mà khách hàng có thể sử dụng khi đăng ký gói dịch vụ có phí và truy cập vào đường link.
Tiện ích này cho phép khách hàng tra cứu giá đất chi tiết đến từng vị trí mặt đường của từng loại đất, đồng thời xem chi tiết được văn bản quy định về bảng giá đất của từng địa phương.
(Nguồn: Thư Viện Pháp Luật)