Thư viện cộng đồng của ông Tấn khá đặc biệt với phương châm "ba không và ba có". Ba không, là không cần thẻ thư viện, không cần ký mượn sách, cũng chẳng ai hối thúc trả sách đúng hạn.
Còn ba có là có ông thủ thư, kiêm chủ thư viện. Có một thư viện cả nghìn quyển sách mở cửa mỗi ngày. Có những mạnh thường quân tặng sách thường xuyên, để kho tri thức giữa lòng thành phố hoa ngày thêm phong phú, đa dạng thể loại.
Thư viện thành lập tháng 8/2020, ông Tấn tận dụng gian nhà hơn 100 mét vuông của gia đình bày trí các kệ đọc sách. Do nằm ngay mặt tiền đường nhựa, phía sau là dòng sông nên không gian khá mát mẻ. Ngoài phân theo thể loại, ông lão còn chia theo lứa tuổi, một kệ với những quyển đang được độc giả quan tâm.
Ông Ba Tấn cho biết vừa nhận thùng sách của một mạnh thường quân ở tỉnh. Nhìn cả trăm quyển sách dành cho trẻ em còn mới tinh, ông nói: "Coi bộ phải tính toán lại mấy kệ sách, chúng sắp quá sức rồi".
Trước đó, ông dành dụm khoảng 100 triệu đồng để mở thư viện nhưng số lượng sách ban đầu chỉ hơn 500 quyển. Ông định sẽ tích góp thêm để mua sách nhưng không ngờ thư viện được nhiều người biết đến, ủng hộ nên số lượng sách tăng rất nhiều.
Trước đây, mỗi tuần có hàng chục lượt em nhỏ và người dân ghé qua. Những ngày chống dịch hiện nay đa phần các em đến mượn sách về nhà đọc. Trần Trường Giang học lớp 4 và em trai học lớp 3 là hai bạn đọc nhí thường được mẹ chở đến thư viện. "Mẹ không cho tụi con chơi điện thoại nhiều. Từ ngày có thư viện tụi con có thêm chỗ vui chơi", Giang nói.
Độc giả thân thiết của thư viện còn có những cụ ông nhà cách đó hơn chục cây số nhưng vẫn cọc cạch xe đạp đến mượn sách.
Ông Ba Tấn có cả thảy 6 người con. Cảnh nghèo, mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhưng ông cùng vợ quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Tình thương, sự hy sinh của ông bà đã không uổng phí khi các con học hành thành tài. Cả gia đình đều đồng lòng mang kho tàng tri thức đến với các bạn nhỏ vùng quê.
"Hiểu được cảm giác của người nghèo, điều kiện lo cho con không bằng người khác. Vì vậy, từ lâu tui đã có ước nguyện mở thư viện cho tụi nhỏ có chỗ đọc sách, thêm kiến thức", ông Tấn nói.
Ban Quách Thị Hồng Ngọc, Bí thư Xã Đoàn Tân Quy Tây, cho biết, các hoạt động đoàn cũng thường tổ chức tại thư viện vì nơi nay thoáng mát và rộng rãi. "Sách tại thư viện của chú Ba rất phong phú, mình cũng thường mượn về đọc", Ngọc nói.
Năm 2020, Sa Đéc tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu cùng với 53 thành phố khác từ 27 quốc gia (Việt Nam còn có TP Vinh). Kết quả này dựa trên thành tích điển hình trong việc áp dụng học tập suốt đời ở cấp độ địa phương.
Bà Trần Thị Kim Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây, cho biết gia đình ông Ba Tấn là dòng họ học tập của xã. "Khi chú Ba nói ra ý định làm thư viện cộng đồng UBND xã rất mừng. Vừa mừng cho các em nhỏ, người dân có chỗ đọc sách, tiếp thu kiến thức và phù hợp với định hướng của TP Sa Đéc là thành phố học tập", bà Phượng cho biết.
Ngọc Tài