Trong bức thư tuyển dụng đăng ngày 23/8/1994, Jeff Bezos yêu cầu ứng viên có khả năng xây dựng và duy trì các hệ thống phức tạp "trong một phần ba thời gian mà những người có năng lực nhất nghĩ là có thể". Bức thư được ông chủ Amazon chia sẻ trên Instagram năm 2019, nhưng gần đây "gây sốt" trở lại. Bức thư đã nhận được hơn 97.000 lượt thích và gần 3.000 bình luận.
Tốc độ và sự hết mình vì công việc là yếu tố "ám ảnh" Jeff Bezos nhất trong thời gian ông điều hành Amazon. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố giúp Amazon trở thành thế lực trên thị trường thương mại điện tử, đưa Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh.
"Bạn có thể làm việc lâu dài, hoặc chăm chỉ, hoặc thông minh. Nhưng tại Amazon, bạn phải có cả ba yếu tố đó", Jeff Bezos từng nói với các nhân sự mới cách đây hơn 20 năm. Còn trong bức thư đầu tiên gửi các cổ đông năm 1997, tỷ phú này nhấn mạnh việc tuyển dụng có chủ đích là yếu tố thành công nhất cho Amazon.
Từ khi mới thành lập Amazon, Jeff Bezos cũng ưu tiên tốc độ giao hàng. Ông đã xây dựng cho công ty bản sắc thương hiệu khác biệt so với các đối thủ, trong đó cố gắng đưa bưu kiện đến tay khách hàng càng nhanh càng tốt.
Việc bị đẩy nhanh tốc độ khiến không ít nhân viên Amazon bị ám ảnh. Theo một số báo cáo về điều kiện làm việc tại Amazon trước đây, nhiều cựu nhân viên kể lại rằng họ rất áp lực đối với cái gọi là "stay on rate" - thuật ngữ chỉ số lượng mặt hàng dự kiến sẽ xử lý mỗi giờ.
Sau gần ba thập kỷ, việc duy trì tốc độ vẫn được Amazon giữ cho đến ngày nay. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra tại Mỹ, quy mô lực lượng lao động của Amazon đã bùng nổ. Công ty đã tuyển thêm 427.300 nhân viên trong 10 tháng đầu năm 2020, nhưng tốc độ công việc của mỗi người vẫn không hề được giảm xuống. Công ty thậm chí còn bị chỉ trích vì khiến nhân viên làm việc quá sức trong điều kiện tồi tệ.
Jeff Bezos đã chính thức rời ghế CEO của Amazon vào 5/7. Andy Jassy là người được chọn sẽ tiếp tục di sản Bezos để lại. Một số dự đoán cho rằng CEO mới sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ người lao động. Một khảo sát hồi tháng 1 của Business Insider cho thấy hơn 40% nhân viên Amazon ước được tham gia một công đoàn.
"Tín hiệu không tích cực của người lao động cùng với sự giám sát chặt chẽ bằng các quy định nghiêm ngặt có thể là những trở ngại lớn nhất Jassy phải đối mặt", Nicholas McQuire, chuyên gia phân tích của CCS Insight, nhận xét. "Bezos đã tạo ra kế hoạch chi tiết cho doanh nghiệp lớn nhất hành tinh này. Do đó, người tiếp quản nó sẽ đối mặt với sức ép rất lớn".
Bảo Lâm (theo Business Insider)