Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ ngành, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng tổ công tác), Nghị quyết 19 giao các Bộ 11 nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ chung, và 8 nhiệm vụ thuộc từng bộ ngành. Hiện nay, 3 trên 8 nhiệm vụ đã hoàn thành. Đối với yêu cầu bổ sung, thay thế 87 văn bản kiểm tra chuyên ngành, có 60 nhiệm vụ đã hoàn thành.
Hiện nay, có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc này.
"Đây đang là vấn đề Thủ tướng quan tâm đặt vấn đề phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến doanh nghiệp. Cần phải quyết tâm cắt gọn giấy phép kiểm tra chuyên ngành không cần thiết", ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Dũng, dù đã có nhiều thay đổi trong kiểm tra chuyên ngành, nhưng nhiều thủ tục vẫn còn chồng chéo, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2 - 3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại kiểm tra 3 lần.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng chỉ ra tình trạng độc quyền trong đánh giá xuất nhập khẩu, có mặt hàng thuộc nhóm đầu thế giới nhưng vẫn kiểm tra. Hình thức kiểm tra thì thủ công, kết nối thông tin còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Quá trình kiểm tra chỉ phát hiện 0,1%. "Như vậy, tỷ lệ kiểm tra có vấn đề, kiểm tra nhiều, phát hiện thấp", ông nói.
Có những Bộ chỉ giao cho một cơ quan kiểm định, giám định, dẫn đến tình trạng chi phí kiểm định rất lớn vì hàng hóa phải vận chuyển từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để kiểm định, giám định.
"Vì vậy, cần xem xét lại cách làm. Hàng hóa nhập khẩu thuộc kiểm tra, giám định từ một các đơn vị tạo độc quyền không cần thiết", ông Dũng đề nghị.
Ông cũng cho hay, Thủ tướng đề nghị cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, cần xem xét chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số mặt hàng, hay công nhận từ cơ sở sản xuất. Những thiết bị, máy móc của các nhà sản xuất thương hiệu lớn thì xem xét năng lực hiện có xem có đủ để kiểm định không...
Thực trạng một mặt hàng nhiều Bộ cùng kiểm tra cũng được Thủ tướng lưu ý xem xét. Ví dụ như mặt hàng thức ăn chăn nuôi, vừa gia súc, vừa thủy sản, có nguồn gốc từ động vật như bột cá, bột xương phải kiểm tra rất nhiều khâu, theo chất lượng của các Bộ.
Hay sữa chua vừa phải kiểm dịch của Bộ Công Thương vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế; hay như hạt hướng dương rang cũng phải hai Bộ kiểm tra, trong khi không bao giờ hai Bộ đi cùng.
"Như vậy tạo ra kiểm tra chồng chéo cho một mặt hàng, có mặt hàng 3 Bộ kiểm tra. Vì vậy, cần cải cách thủ tục hành chính từ bước kiểm tra chuyên ngành ở các bộ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết, thời gian kiểm tra chuyên ngành đang chiếm 50% thời gian thông quan.
Theo ông, có lô hàng hải quan thông qua nhưng không thông quan được vì phải một đến ba tháng sau Bộ chuyên ngành mới kiểm tra. Đến khi kiểm tra thì hôm nay yêu cầu một thủ tục, mai yêu cầu thủ tục khác, cho nên có những lô hàng nằm ở cửa khẩu 3-4 tháng là bình thường. Trong khi quy định chỉ 15 ngày, nhiều là 30 ngày.
"Nhiều việc chúng ta vẫn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh, như vậy là không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có Bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, đó là rào cản", ông Dũng nói.