Trong công điện tối 13/5, Thủ tướng đánh giá tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới, song gần đây lại xuất hiện tràn lan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Loại mới này có xu hướng tăng nhanh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường truyền thông về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý. Bộ Tài chính chỉ đạo Hải quan kiểm soát chặt việc vận chuyển thuốc lá điện tử qua cửa khẩu, xác lập chuyên án đấu tranh với các ổ nhóm buôn lậu.
Bộ Quốc phòng, Công an được giao tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới và xác lập chuyên án điều tra, triệt phá các đầu nậu cung cấp thuốc lá điện tử để truy tố trước pháp luật. Trong khi đó, Bộ Công Thương cần quản lý thị trường nội địa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán loại thuốc lá này.
Tăng cường tuyên truyền tác hại là yêu cầu của Thủ tướng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan báo chí.
Đầu tháng 4, tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội tổ chức về trách nhiệm quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử, nung nóng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm" và nhất quán từ trước đến nay với loại hình thuốc lá mới này. Thuốc lá điện tử, nung nóng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương) cũng đồng tình quan điểm thuốc lá điện tử là "chất gây nghiện, gây ung thư". Tác hại thuốc lá điện tử đã được nhận biết trên toàn thế giới và mặt hàng này "không có một chút ưu điểm nào" để quản lý, sử dụng.
Thuốc lá điện tử và nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol hoặc glycerine.
Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra. Loại này không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất nên không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh liên tục tăng ở các nhóm tuổi. Loại thuốc này gây nghiện do có chứa nicotine; các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp, ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.