Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa ký văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài tại Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Kết quả thanh tra chỉ ra những ưu, khuyết điểm của EVN nhưng chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực. “Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần xem xét vì sao hằng năm có kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, khuyết điểm để kịp thời có những biện pháp khắc phục chấn chỉnh”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng, việc đầu tư ra ngoài của công ty mẹ chủ yếu vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đầu tư ngoài ngành chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 2.000 tỷ đồng. Do đó, EVN cần cân nhắc tính toán hiệu quả của lộ trình thoái vốn với các khoản đầu tư ngoài ngành, không để một số đối tượng trục lợi. EVN hạch toán đúng quy định đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, đồng thời tiến hành rà soát đẩy nhanh các dự án đang triển khai.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố gần đây, khi đầu tư cho 6 dự án nguồn điện, tập đoàn này đã tính nhiều khoản chi phí vô lý vào giá bán điện cho người dân. 6 dự án này của EVN đã dùng 355.000 m2 đất để xây nhà ở cho cán bộ, nhân viên. Trong số này, có cả những biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, bể bơi, sân tennis... Tổng chi phí của những khoản mục này gần 600 tỷ đồng, được hạch toán vào khoản mục "khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa".
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện không chỉ ở 6 dự án trên mà còn cả các nhà máy, khu công nghiệp khác. Từ đó các Bộ có hướng dẫn cụ thể và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2014.
Riêng việc xử lý liên quan đầu tư và chuyển giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Thủ tướng đã xem xét và sẽ có quyết định xử lý cụ thể. Về việc hạch toán kinh phí mua ôtô vượt định mức, Thủ tướng yêu cầu EVN phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tính đến hết quý III, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng. Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), đây là số tiền lớn nhất được các nhà băng cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vay. Tại cuộc hội thảo diễn ra gần đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại đề xuất tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá bán điện do EVN đang thiếu vốn. |
Hoàng Lan