-
18h33
Cuộc họp báo kết thúc lúc 18h33.
-
18h30
Thủ tướng đề nghị TP HCM lùi thời gian miễn học phí cho học sinh THCS
Liên quan đến đề xuất của TP HCM đề xuất miễn học phí học sinh THCS, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, Thủ tướng đã nhận được văn bản của UBND và Thành uỷ TP về vấn đề này. Đề xuất của thành phố thể hiện sự quan tâm của địa phương đến công tác giáo dục. Tuy nhiên Bộ Giáo dục đang sửa Luật Giáo dục trong đó có điều liên quan đến học phí, nên Thủ tướng đề nghị TP HCM lùi lại đến khi có Luật Giáo dục sửa đổi sẽ thực hiện theo.
-
18h30
Trả lời câu hỏi về thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay, Chính phủ kết luận theo hướng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 51 của Quốc hội. Cụ thể, thời gian bắt đầu triển khai đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học; từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.
Về định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Độ nói, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học vừa qua.
Bộ đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019 giảm áp lực với thí sinh nhưng đảm bảo độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm căn cứ xét tốt nghiệp của thí sinh và đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông. Kết quả này cũng là cơ sở xét tuyển đại học, tuy nhiên sẽ trên tinh thần tự chủ, do các trường quyết định.
Ông Độ nói vừa qua, trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ba nhóm giải pháp cho kỳ thi THPT 2019, gồm: Ra đề phù hợp, phân hoá học sinh, đánh giá đúng năng lực; chuẩn hoá ngân hàng đề thi và xây dựng phần mềm tốt hơn; lập hàng rào kỹ thuật trong coi thi, chấm thi, giáo viên giữa các tỉnh chấm chéo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, các vấn đề về đổi mới kỳ thi THPT, ra đề thi... thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục, vì vậy Bộ phải chủ động trong tổ chức thực hiện.
"Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Quốc hội, khắc phục các tồn tại, bất cập; không để bất ngờ, khó khăn cho việc ôn thi của học sinh; không để xảy ra sự cố trong các khâu ra đề, chấm thi, vi phạm quy chế thi...", ông Dũng nói.
Liên quan đến đề xuất của TP HCM về việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, trong khi Luật Giáo dục chỉ quy định miễn học phí đối với cấp tiểu học (không miễn với cấp THCS), ông Dũng cho hay, Thủ tướng đánh giá đề xuất của thành phố thể hiện sự quan tâm đến công tác giáo dục. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục đang sửa Luật Giáo dục trong đó có quy định liên quan đến học phí, do vậy Thủ tướng đề nghị TP HCM lùi lại đến khi có Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ thực hiện theo.
-
18h20
Bộ Công an thông tin về dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng
Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng yêu cầu, các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định, "nội dung này không trái với các cam kết quốc tế".
Ông Quang nói, 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc.
Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.
Quy định này cũng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, vì hiện Google đặt 70 văn phòng đại diện trên thế giới, còn Facebook đã đặt 80 văn phòng. Ở khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia...
Chánh văn phòng Bộ Công an cũng khẳng định, quy định trên phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại và các văn bản liên quan. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Goolge, Facebook đang hoạt động kinh doanh, sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh các văn bản này.
Hiện với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp như Google, Facebook phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
"Quy định trên không trái cam kết quốc tế gồm các điều ước liên quan WTO, CPTPP, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ...", ông Quang nói.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã nhận được ý kiến của một số tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao liên quan Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành.
Ông Dũng khẳng định lại, việc ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết và Quốc hội đã thông qua; Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định để trình Chính phủ ban hành.
“An ninh mạng rất cần thiết, nằm trong tổng thể các vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội..., nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường tốt để thu hút đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, việc xây dựng dự thảo nghị định sẽ được "cân nhắc thận trọng". Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói sẽ xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
-
18h00
Trả lời câu hỏi về việc hàng hãng không Bamboo đã được cấp phép hoạt động hay chưa, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Đông cho biết: "Chúng tôi đã hoàn tất thẩm định tất cả các hồ sơ theo quy định về hàng không và báo cáo lên Chính phủ; hiện cấp có thẩm quyền đang được xử lý".
Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng nói, "chúng ta rất tự hào khi có thêm một hãng hàng không của Việt Nam"; sau khi Tập đoàn FLC đề xuất lập Bamboo Airways, Bộ Giao thông đã xem xét, báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cấp phép hãng hàng không.
Về cấp phép bay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị với Chính phủ, việc này Cục Hàng không sẽ thẩm định và Bộ Giao thông báo cáo Chính phủ. "Đây là vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh, an toàn trong hàng không nên Văn phòng Chính phủ rất thận trọng. Hiện chúng tôi đã lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ báo cáo tại phiên họp thường trực Chính phủ gần nhất", ông Dũng nói.
-
17h49
Cương quyết xử lý các vấn đề xã hội
"Trước việc trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy, tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng xảy ra ở một số nơi, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng tập trung xử lý cương quyết các vấn đề xã hội này", ông Mai Tiến Dũng cho biết.
-
17h40
"Kết quả tín nhiệm thôi thúc Chính phủ làm việc tốt hơn"
Tại cuộc họp báo chiều 3/11, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói: Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã đề cập đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và kết quả lần này của các thành viên Chính phủ cao hơn so với lần trước (năm 2013 và 2014).
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả thấp hay cao đều thôi thúc Chính phủ làm việc tốt hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội, đặc biệt là phát huy ưu điểm, nhanh chóng khắc phục tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ; điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên một bàn tay, chụm lại, đoàn kết để phát triển đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Thủ tướng, lấy phiếu tín nhiệm cũng là dịp để các thành viên Chính phủ "soi lại mình, soi lại ngành mình phụ trách"
-
17h35
Xuất siêu 6,4 tỷ USD
Tại phiên họp Chính phủ, phát biểu về kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,6%, lạm phát cơ bản tăng 1,43%. Xuất khẩu tăng nhanh, đạt kỷ lục khi 10 tháng hơn 200 tỷ USD, tương đương mức của cả năm 2017; xuất siêu 6,4 tỷ USD. Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,4%. Thu hút khách quốc tế đạt trên 12,8 triệu lượt, tăng 22,4%.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục như môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trao đổi, thảo luận về vấn đề này, “không nói chung chung mà đi vào từng vấn đề, nội hàm, giải pháp, bước đi cụ thể”. “Liệu có bao nhiêu thành viên Chính phủ đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”, Thủ tướng nói. “Mỗi thành viên Chính phủ phải đi vào từng việc cụ thể, trăn trở làm thế nào để nâng từng chỉ tiêu, tiêu chí mà ngành mình phụ trách”, Thủ tướng nhấn mạnh.
-
17h30
Nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018
Ngày 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thường kỳ tháng 10/2018 của Chính phủ, với trọng tâm là xem xét báo cáo kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018; báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019...
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ nghe, thảo luận về một số báo cáo: Tóm tắt dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch; báo cáo về việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2017 sang năm 2018 của các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; tình hình ban hành văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tháng 10/2018; về chủ trương miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở tại các trường công lập thuộc Thành phố Hồ Chí Minh...