Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không để tái diễn nạn "cơm tù".
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hơn 1 năm Thủ tướng chỉ đạo xoá bỏ tệ nạn này. Văn phòng Chính phủ cũng cho biết ngày 31/10/2001, văn phòng từng có công điện gửi chủ tịch các tỉnh dọc quốc lộ 1A từ Thanh Hoá vào Phú Yên, đồng gửi Bộ Công an thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, "yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp dẹp cho được tình trạng "cơm tù" trong tháng 11/2001".
Bộ Công an và một số tỉnh sau đó đã có báo cáo với Thủ tướng, và theo Bộ Công an, nạn "cơm tù" cơ bản được giải quyết tại các địa phương nói trên. Song gần đây, công văn của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tình trạng này không chỉ tái diễn ở một số tỉnh mà đã lan ra nhiều tỉnh khác dọc theo các tuyến quốc lộ, nhất là quốc lộ 1A. "Và đáng tiếc, tuy đã được công luận cảnh báo, vẫn xảy ra vụ việc nghiêm trọng đánh chết người tại quán cơm Thu Thanh", công văn ghi rõ.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm cho rằng chiến dịch xoá bỏ "cơm tù" cần khẩn trương tiến hành hai việc. Thứ nhất, công an Bình Thuận phải xử lý thật sớm vụ đánh chết ông Nguyễn Văn Hương. Kế hoạch dự kiến sau hai tháng sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh là hết sức cần thiết. Thứ hai, đối với các địa phương vẫn còn tồn tại nạn "cơm tù", UBND tỉnh cần chỉ đạo huyện, xã thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì có biện pháp xử lý kịp thời (đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh).
Hôm qua, tại cuộc họp HĐND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh cho biết: "Ngay trong sáng 8/1, sau khi báo chí phản ánh bức thư ngỏ của anh Nguyễn Bảo Nhân, từ Hà Nội tôi đã gọi điện thoại cho chủ tịch UBND quận Liên Chiểu chỉ đạo công an quận phải phục hồi điều tra vụ án ngay để tìm ra tung tích tội phạm. Nếu thật sự có hiện tượng công an hoặc chính quyền địa phương bao che tội phạm thì thành phố sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật. Trước đây tôi chưa được biết có vụ án này trên địa bàn và cũng chưa có thông tin nào phản ánh với tôi là đại uý Phạm Văn Thương lại là em ruột của chủ quán cơm Ông Béo. Rõ ràng đây có sự bao che và Phạm Văn Thương phải chịu trách nhiệm về hành vi này".
Cũng theo ông Thanh, những biện pháp ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại, vận chuyển, làm ăn của dân cư cần đảm bảo tính khả thi trong điều kiện kinh tế xã hội và mức sống hiện nay của nhân dân, không được ảo tưởng; có việc làm trước việc làm sau và khi đã quyết định thì phải thực hiện đến nơi đến chốn. Kiên quyết dẹp bỏ hoàn toàn các quán cơm có hàng rào che chắn dọc các tuyến quốc lộ. Những quán cơm trước đây có hành vi ép buộc khách ăn uống thì phải thu hồi giấy phép vĩnh viễn. Nơi nào còn để xảy ra thì chủ tịch UBND địa phương đó sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất.
Phó Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng Trần Thanh Vân cho rằng việc tạm đình chỉ điều tra ban đầu vụ việc xảy ra ở quán cơm Ông Béo là đúng luật. Song mặt khác cần nói thẳng đó là "các cơ quan chức năng làm chưa hết trách nhiệm với dân, với công việc nên vụ án bị bế tắc". Một vụ việc xảy ra giữa chỗ đông người, nếu chúng ta áp dụng đầy đủ biện pháp nghiệp vụ và làm ngay từ đầu thì công tác truy tìm không phải khó lắm, nhất định đã rõ người, rõ tội rồi. Ông Vân nói: "Theo tôi đại uý Phạm Văn Thương đã thể hiện không hết trách nhiệm của người công an nhân dân. Ít ra phải nhảy vào can thiệp, giải vây, bảo vệ người bị hại, sau đó phải lập tức đưa nạn nhân đi cấp cứu. Trong trường hợp này, với vị trí công tác của mình anh Thương có thể hoặc lập biên bản sự việc hoặc báo ngay cho một cơ quan công an gần nhất".
Tối 8/1, trên hành trình từ Huế đi Đăk Lăk tuyến Quốc lộ 1A, anh Lâm Tấn Khôi - phụ xe khách mang biển số 47V-1442 - đã bị người của quán cơm Đông Phương nằm dưới chân đèo Bình Đê (thuộc xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đánh trọng thương, khi anh này phản ứng lại việc lùa ép khách đi xe vào quán "cơm tù". Những kẻ gây án ngay sau đó đã trốn thoát. Cách đây không lâu, quán cơm Đông Phương đã từng bị dư luận lên án về hành vi hành hung hành khách khi họ không chịu vào quán ăn cơm.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)