Sáng 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Tuy nhiên, thành phố cũng còn nhiều việc chưa làm được. GDP 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội tăng 6%, thấp hơn trung bình của cả nước (6,42 %). Tỷ trọng kinh tế số còn thấp, chỉ số PCI (cạnh tranh cấp tỉnh) giảm, nguồn lực ngoài xã hội rất lớn nhưng cơ chế chính sách, cách làm chưa tương xứng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung mới đạt 90%, 124 xã chưa có nước sạch; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải còn chậm; một số tuyến đường trọng điểm chưa hoàn thành; thiếu hoạt động văn hóa thể thao tầm cỡ quốc tế. "Ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn là vấn đề lớn. Tất nhiên để khắc phục được cần có thời gian và hệ thống hạ tầng đồng bộ", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội có giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, nhất là xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Thành phố cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.
Hà Nội cũng cần nâng tầm văn hóa Thủ đô ngang tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân.
Thủ tướng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ bám sát các nghị quyết, chỉ thị, các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc hôm nay. Thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo kết quả kinh tế xã hội thành phố và đưa ra 7 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng. Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh; thực hiện các dự án tái thiết đô thị trong khu vực nội thành để quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư, dành quỹ đất xây dựng công trình tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, hình thành các khu dân cư, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại.
Thành phố cũng đề xuất Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô; có cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học di dời đến khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai.
Võ Hải