Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Các bộ báo cáo Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) báo cáo Thủ tướng việc một số doanh nghiệp xuất khẩu điều có dấu hiệu bị lừa khi xuất hàng sang Italy.
Cụ thể, tháng 2, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Italy với tổng số lượng 100 container cho nhiều khách hàng với trị giá hàng trăm triệu USD. Trong quá trình gửi hồ sơ và liên lạc với đối tác nhập khẩu, các doanh nghiệp này phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng đã và đang đến các cảng của Italy trong tháng 3 nhưng bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc và chưa tìm lại được.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, họ phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo khi trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng dẫn của bên mua thì số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu), bị thay đổi nhiều lần.
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ, đối tác mua hàng lại thông báo không đúng thông tin của họ, yêu cầu trả lại bộ chứng từ, nhưng lại không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số hợp đồng khác được phía ngân hàng Italy thông báo là hồ sơ gửi chỉ là bản photo, không phải bản gốc, thậm chí là giấy trắng.
Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam rất lo lắng vì không biết hồ sơ gốc các lô hàng ở đâu trong khi bất kỳ ai có hồ sơ gốc này cũng có thể đến hãng vận chuyển nhận hàng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây Vinacas đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc với mục tiêu giữ lại các lô hàng điều đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng ngay cả khi họ trình vận đơn gốc.
"Vụ việc đang có dấu hiệu lừa đảo nên cần cơ quan tòa án và Interpol vào cuộc", ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Vinacas nói.
Theo Hiệp hội, hiện có 5 container cập cảng đã được cảnh sát Italy phong tỏa, và cả hệ thống cảng của quốc gia này đã được báo động về vụ việc này.
Liên quan đến các hãng tàu là Cosco, Yangming, HMM, One, Vinacas cũng đã gửi thư đề nghị các hãng này áp dụng biện pháp "khẩn cấp" tạm thời giữ các container đã và đang trên đường đến các cảng của Italy.
Vinacas cũng cho biết thêm, hôm 9/3 có làm việc với 5 hệ thống ngân hàng tại Việt Nam thì được các đơn vị này cho biết làm hồ sơ thanh toán bằng phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Đây là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.
Rủi ro ở đây là người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua.
Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Do đó, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo...
Ngày 15/3, Bộ Công Thương cho biết đã vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc. Theo đó, Tham tán thương mại tại Italy đã trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.
"Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại nước này để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng", Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng liên hệ công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều, Công ty Kim Hạnh Việt, đề nghị cung cấp thông tin và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý.
Hiện vẫn chưa có kết luận bản chất vụ việc này, tuy nhiên Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.
Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.
Thi Hà - Hoài Thu