Ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Trong ngày làm việc đầu tiên này, Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2016.
Bên cạnh nhiều chỉ đạo về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục rà soát, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2016; có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học trong đó có chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.
Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động các quỹ về phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại cuộc họp, sau khi nghe 28 ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.
Theo đó, cùng với việc phải phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho; Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển; thực hiện phân cấp, giao quyền.
Phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ sẽ tiếp tục trong ngày 5/5.
Trước đó một người dùng Facebook phân tích Học viện Khoa học Xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều người cho rằng việc đào tạo tiến sĩ nhanh và dễ dàng như thế cho thấy chất lượng các nghiên cứu không đảm bảo. Trao đổi với VnExpress, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ, khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thêm, theo thống kê năm 2014, 24.000 tiến sĩ là số lượng trên cả nước đang hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục cho đến khoa học, công nghệ và thậm chí cả tiến sĩ không còn làm việc nữa. Năm 2014, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia cùng Tổng cục Thống kê điều tra cho thấy, Việt Nam có 12.261 tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chiếm 9% tổng số người nghiên cứu. So với năm 2012, số tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học chỉ tăng 760. |
Lan Hạ