Những yêu cầu phát triển nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tổ chức ngày 8/8 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải đổi mới tư duy trong cách làm du lịch, không thể để du khách mỗi lần nhắc tới du lịch Việt Nam là “một đi không trở lại”.
“Chúng tôi chủ trương tại hội nghị này không bàn thành tích nhiều mà chủ yếu đánh giá xem thực trạng nào bất cập. Thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành để quy mô cao hơn, chất lượng, hiệu quả tốt hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Cho rằng Việt Nam là đất nước giàu di sản văn hóa thế giới, người dân thân thiện, chân thành, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận đó là điều kiện quan trọng hấp dẫn du khách thế giới. Cùng với điều kiện một đất nước an toàn, bảo đảm an ninh trật tự... địa phương nào của Việt Nam cũng được cho là có thể làm du lịch với quy mô khác nhau.
Xác định vấn đề nằm ở công tác tổ chức, Thủ tướng nêu rõ các bộ ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, chấm dứt tình trạng “cô đơn” trong phát triển. “Các đồng chí đều nói con người là yếu tố quyết định. Các khoa du lịch ở các trường đại học, các trường trung cấp, cao đẳng du lịch đều phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hướng dẫn viên, dạy một số ngoại ngữ hiếm”, Thủ tướng nói.
Cho rằng tiềm năng du lịch sẵn có nhưng chưa được khai thác hiệu quả, người đứng đầu Chính phủ đặt ra yêu cầu với ngành du lịch phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, ông cũng lưu ý việc phát triển du lịch không đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ xây dựng phố "đèn đỏ" hay làm casino tràn lan. "Chúng ta không phát triển theo hướng đó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch; xử lý nghiêm, rút giấy phép khi có vi phạm. Cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp bổ sung, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên; đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Điều tôi tâm huyết là muốn làm du lịch thành công, thì đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành. Điều quan trọng nữa là cộng đồng người dân làm du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách du lịch đến Việt Nam”, ông nói.
Trước đó, theo mục tiêu phát triển đến năm 2020 được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa ra tại hội nghị, du lịch Việt Nam sẽ đóng góp 10-20% vào GDP sau 5 năm nữa. Tới năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch; ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa.
Với mục tiêu này, Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ngay trong tháng 8/2016. Ngân sách Nhà nước sẽ cấp ban đầu một khoản kinh phí 200-300 tỷ đồng và sử dụng một phần từ nguồn lệ phí thị thực nhập cảnh, tham quan, khoản đóng góp của các doanh nghiệp, các chủ thể hưởng lợi từ du lịch và các nguồn khác.