Người đứng đầu Chính phủ dẫn số liệu từ nhiều tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, AmCham Singapore hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy Việt Nam là "một đối tác kinh doanh tin cậy". Tốc độ tăng trưởng GDP cao, thu nhập bình quân được cải thiện, môi trường kinh doanh ngày càng được đánh giá tốt.
"Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu", ông cho biết. Với cấu trúc dân số trẻ, tỷ lệ người dân dùng Internet đứng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết nối di động cao, Việt Nam là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình với thị trường tiềm năng này.
Vì vậy, Thủ tướng đưa ra 3 khuyến nghị giúp Việt Nam tiếp tục phát triển. Một là cải thiện khung chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao năng lực quản trị nhà nước. Hai là thúc đẩy nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo. Và ba là cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.
Cũng tại VBS, Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng Việt Nam có vị trí địa lý – kinh tế thuận lợi, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, chính phủ đang nỗ lực đổi mới và hội nhập. Do đó, cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực đều rất lớn.
Dù vậy, ông cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Do là nền kinh tế đi sau, tiềm năng về tài chính và công nghệ còn thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, còn yếu về kiến thức và kinh nghiệm.
Vì vậy, ông kỳ vọng trong diễn đàn, các chuyên gia, CEO hàng đầu thế giới sẽ chia sẻ giải pháp cải thiện các vấn đề này, đồng thời giúp các địa phương, doanh nghiệp có những cơ hội kết nối với đối tác tiềm năng bên ngoài. “Khi những người khổng lồ của thế giới đã đến đây, nghĩa là chúng ta cũng có cơ hội cho những dự án khổng lồ”, ông kỳ vọng.
Chủ đề của VBS năm nay là "Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy". Tham gia hội nghị còn có các lãnh đạo bộ, ngành, giám đốc nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế. Việc này nhằm giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.
VBS còn được tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành. Triển lãm có tên "Việt Nam – Đối tác Kinh doanh Tin cậy và Giàu Tiềm năng" nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế các ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… . Đây cũng sẽ là nơi trưng bày các thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam.
Hà Thu