Sáng 2/12, phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, độ mở cao, khả năng chống chịu trước cú sốc bên ngoài hạn chế. Vì vậy, Việt Nam rất cần các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển xanh, bền vững.
Ưu tiên thứ hai của Việt Nam thời gian tới là huy động nguồn lực trong và ngoài nước, thông qua cơ chế hợp tác song phương và đa phương để chuyển đổi xanh. "Nếu dùng công nghệ lạc hậu Việt Nam sẽ đi sau về sau, nên chúng tôi cần công nghệ tiên tiến, thay cho công nghệ lạc hậu để đi sau về trước", Thủ tướng chia sẻ ưu tiên thứ ba.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tích cực đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh.
Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và thế giới chia sẻ cách quản trị tiên tiến. "Nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và mô hình quản trị hiệu quả hàng chục năm, chúng tôi rất cần các bạn chia sẻ kinh nghiệm như vậy", lãnh đạo Chính phủ nói và khẳng định luôn lắng nghe các ý kiến để xây dựng thể chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam hiệu quả, có lợi nhuận.
Khẳng định chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp UAE và quốc tế "hãy xem Việt Nam là địa chỉ tin cậy để gửi gắm, mở rộng đầu tư".
"Chúng tôi sẽ không phụ niềm tin của các bạn. Chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", lãnh đạo Chính phủ phát biểu tại diễn đàn.
Diễn đàn có 50 doanh nghiệp Việt Nam và 120 doanh nghiệp UAE tham dự. Ông Ben Backwell, Giám đốc Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), bày tỏ mong muốn đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch điện 8, trong đó có nguồn điện năng lượng tái tạo "đầy hoài bão". GWEC mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình này tại Việt Nam.
Ông Ben Backwell đề xuất Việt Nam lập Ủy ban liên bộ về phát triển điện gió để đẩy nhanh các dự án điện gió ngoài khơi từ khâu khảo sát, cấp phép...
"Tôi kỳ vọng với sự phát triển nhanh chóng của ngành điện gió trên thế giới, Việt Nam sẽ có động lực phát triển kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông nói.
Bà Jackikle Nilsson, Ủy viên thường trực GWEC, Phó chủ tịch tập đoàn Equinor - công ty năng lượng quy mô lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng thế giới đang cần nhiều năng lượng hơn nhưng phải từ các nguồn xanh. Bà mong muốn sẽ đầu tư thêm nhiều dự án điện gió tại Việt Nam. "Điện gió ngoài khơi với chi phí ngày càng thấp là cơ hội cho Việt Nam", bà Jackikle Nilsson chia sẻ và nói thêm, các dự án điện gió tạo thêm việc làm cho người lao động.
Chung băn khoăn với ông Ben Backwell , bà Jackikle Nilsson nói vướng mắc hiện nay là các dự án điện gió ngoài khơi liên quan đến nhiều bộ ngành. Dẫn kinh nghiệm một số nước lập cơ quan liên bộ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, bà đề xuất Việt Nam thiết lập cơ chế một cửa cho các dự án điện gió.
"Việt Nam có tiềm năng rất lớn phát triển điện gió ngoài khơi. Nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến các dự án này và muốn đầu tư vào Việt Nam", bà Jackikle Nilsson bày tỏ.
Phát biểu tại tọa đàm Đẩy nhanh chuyển đổi điện than trong khuôn khổ COP28 tại Dubai chiều 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, không thể phủ nhận vai trò của điện than nhưng đến lúc cần chuyển sang nguồn năng lượng sạch hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả nước. Song quá trình này cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.
Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia. Các lĩnh vực chuyển đổi là công nghệ quản trị, đánh giá xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ cảm ơn các nước G7 và đối tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), góp phần đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi xanh toàn cầu.