Kỷ niệm ngày di sản văn hoá Việt Nam, ngày 23/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hiến tặng công trình nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia.
Đây là những sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong 30 năm về văn hoá Chăm, Raglai.
Phát biểu tại buổi trao tặng, Thủ tướng đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh văn hoá không phải "là thứ sản xuất trong một ngày", mà được kết tụ và bồi lắng suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, văn hoá dân gian ở những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc được coi là cội nguồn của các hình thức khác.
Cho rằng "trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa", người đứng đầu Chính phủ nói việc hiến tặng "gia sản lớn nhất cuộc đời" của nhà nghiên cứu Hải Liên cho Nhà nước là biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương, đất nước luôn rực cháy. Lãnh đạo Chính phủ cam kết sẽ đầu tư bảo tồn, phổ biến những công trình này trong nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống kê các giá trị văn hoá dân gian cần bảo tồn, đề ra chương trình hành động cụ thể. Bộ có trách nhiệm thu hút đầu tư, đưa các giá trị này thành giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho người dân.
"Nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc", Thủ tướng nêu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên (quê Quảng Nam), đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các lễ hội Chăm. Ông sưu tầm và ký âm được 75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai. Ông đã phát hiện ra bộ trống thiêng loại nhỏ đi với hai cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây là bộ nhạc cụ chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến. Ông cũng là tác giả ý tưởng của Festival thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).