Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 13/5. Đây là địa phương đầu tiên được Chính phủ chọn làm việc sau khi kiện toàn nhân sự.
Thủ tướng khẳng định TP HCM vẫn là "đầu tàu" của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách. Việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố. Chính phủ phối hợp TP HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, TP HCM cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Ngoài sự ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần định hướng phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, chú trọng đổi mới kinh tế số để đảm bảo đóng góp 25% GDP như mục tiêu đề ra.
Trước đó, trong phần kiến nghị Thủ tướng ủng hộ Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dù đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, tỷ lệ ngân sách thành phố giữ lại thấp nhất cả nước, giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017- 2021. Thành phố đã tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng hơn 20 kịch bản tỷ lệ điều tiết để xây dựng đề án. Kết quả từ chuỗi số liệu cho thấy phương án tỷ lệ điều tiết 23% (bằng mức giai đoạn 2011-2016) là phù hợp. Từ đó ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận thông qua đề án trong năm 2021 để thành phố có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề xuất một loạt vấn đề với lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành như phân cấp, phân quyền cho TP HCM; giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quản lý đô thị...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay sau khi nhận được 15 đề xuất của thành phố, từ ngày 29/4 đến 11/5, Thường trực Chính phủ, các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực và Thủ tướng có nhiều cuộc họp xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với những kiến nghị của thành phố.
"Những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ cùng TP HCM ngồi lại tháo gỡ", ông Chính nói và cho biết việc giải quyết những đề xuất của thành phố sẽ được thực hiện với tinh thần "Chính phủ không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Trong đó, đối với kiến nghị "phân cấp phân quyền" cho thành phố quyết định một số vấn đề thuộc quyền của Trung ương, Thủ tướng nói rằng việc gì TP HCM làm tốt hơn, Chính phủ sẵn sàng bàn giao cho thành phố làm. "Cái gì biết mới quản, cái gì không biết dứt khoát phải giao cho người biết để quản lý", ông Chính nói.
Liên quan đề xuất phát triển hạ tầng, theo người đứng đầu Chính phủ "nhất định phải dùng phương thức đối tác công - tư PPP". Vừa qua các bộ ngành, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn về giải phóng mặt bằng. Từ đó các bên thống nhất vấn đề giải phóng mặt bằng phải do địa phương làm. Dự án đi qua tỉnh thành nào thì nơi đó phải chịu trách nhiệm giải tỏa, bàn giao mặt bằng để phát triển hạ tầng.
"Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể để hỗ trợ phần xây lắp như vốn mồi. Việc này không phải mới, có nơi làm rồi, kết quả đạt rất tốt. Vừa qua chúng tôi đi Đồng bằng sông Cửu Long, bí thư và chủ tịch các tỉnh rất tán thành cái này", ông Chính nói.
Với nội dung xây dựng mới chung cư cũ, Thủ tướng cho biết đã bàn với Bộ trưởng Xây dựng sẽ sửa Nghị định cũ cho phù hợp thực tiễn. Thay vì chung cư cũ chỉ cao 3-4 tầng, cơ quan chức năng xem lại quy hoạch lại khu đó, nếu phát triển được cho tăng chiều cao, giảm bề rộng tạo không gian phát triển, trồng cây xanh, vừa có tiền trả nợ cho các tầng cũ vừa làm dịch vụ, giải trí.
Theo Thủ tướng, địa phương muốn có đường, có đột phá thì phải có trách nhiệm, tinh thần là không trông chờ, không ỷ lại, phát huy cao độ tự lực, tự cường. "Tôi rất tin tưởng TP HCM sẽ làm được", Thủ tướng kết luận.
Hữu Công