Trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Victoria Wellington chiều 11/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn câu ngạn ngữ của người Maori: "Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người, cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng". Người Việt Nam cũng có câu tương tự: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
"Với chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand lên tầm cao mới, phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong tương lai", Thủ tướng nói.
Năm 2025, Việt Nam và New Zealand sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba định hướng lớn để thúc đẩy mối quan hệ. Một là phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam - New Zealand, để cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai là hỗ trợ nhau phát huy hơn nữa các thế mạnh của mỗi nước, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nhau mở rộng, đa dạng hóa quan hệ, góp phần nâng cao năng lực tự cường của mỗi quốc gia. Việt Nam mong muốn cùng New Zealand tiên phong trong các nỗ lực về bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.
Định hướng thứ ba là tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand, khái quát thành 3 cặp từ khóa "ổn định và củng cố"; "tăng cường và mở rộng", "tăng tốc và bứt phá". Với nền tảng vững chắc của lợi ích chung, sự đồng lòng và quyết tâm của chính phủ và nhân dân hai nước, Thủ tướng tin tưởng rằng tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand "sẽ ngày càng tươi sáng".
"Việt Nam sẽ nỗ lực làm hết sức mình để quan hệ hai nước chúng ta hướng tới một tầm cao mới, góp phần giúp mỗi nước giữ vững độc lập, chủ quyền, hòa bình và phát triển, lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về tầm nhìn của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam xác định 3 yếu tố nền tảng gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam cũng xác định 8 định hướng lớn, trong đó có xây dựng nền kinh tế độc lập, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thủ tướng nêu rõ định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam lấy đoàn kết, hợp tác quốc tế làm nền tảng; đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; lấy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển làm mục tiêu; lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng...
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đến nay có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới; có quan hệ với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20. Đã ký kết 16 FTA với hơn 60 nước và đang đàm phán 3 FTA.
Giáo sư John Allen, Hiệu trưởng Đại học Victoria, đánh giá rất cao các thông điệp được Thủ tướng đưa ra. Ông cho rằng những người trong khán phòng đều vinh hạnh được lắng nghe, cảm nhận và ngưỡng mộ sự chân thành, nhiều năng lượng trong phát biểu của Thủ tướng.
Đại học Victoria là một trong những trường đại học lâu đời và uy tín nhất của New Zealand, cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất trong số các trường đại học của New Zealand (200 người đang học và 700 cựu sinh viên). Đây là trường đại học của đầu tiên của New Zealand đào tạo song bằng với Việt Nam; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai giảng dạy nghiên cứu sinh, tiến sĩ kinh tế; tham gia 3 chương trình nâng cao năng lực và các khóa học tiếng Anh cho cán bộ nhà nước Việt Nam.
Sau khi phát biểu chính sách tại Đại học Victoria, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Christopher Luxon, trước khi lên chuyên cơ về Việt Nam, kết thúc chuyến thăm chính thức New Zealand.
Hoàng Thùy