-
Cần trung tâm tài chính ngang tầm khu vực
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) phản ánh, trong 63 tỉnh thành Việt Nam chưa có tỉnh, thành nào trở thành trung tâm kinh tế - tài chính đúng nghĩa. Sở Giao dịch chứng khoán là một doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước. Dẫn chứng việc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đang nắm giữ 88% giá trị vốn hoá, 70% tính thanh khoản của thị trường, dự kiến tới 2020 TP HCM hình thành 500.000 doanh nghiệp, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp toàn quốc, ông chất vấn nên đặt Sở chứng khoán quốc gia nằm trong hoặc ngoài TP HCM để phù hợp với kinh tế thị trường.
Ông Quốc lưu ý, một số trung tâm tài chính Phố Wall của Mỹ đặt tại New York chứ không phải Washington; Trung Quốc đặt tại Thượng Hải chứ không phải Bắc Kinh...
Đồng tình với quan điểm Việt Nam cần một số trung tâm kinh tế - tài chính mang tầm khu vực, Thủ tướng cho rằng, trước hết cần xây dựng Hà Nội, TP HCM trở thành những trung tâm tài chính như vậy. Phải có cơ chế để hình thành những trung tâm này. Đây cũng là việc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan liên quan thảo luận, sớm đưa ra cơ chế tạo điều kiện để HN, HCM trở thành trung tâm kinh tế tài chính dịch vụ của cả nước.
Giải đáp chủ trương sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán HN và TP HCM vừa qua, Thủ tướng lưu ý, hiện có 2 thị trường là cổ phiếu, trái phiếu. “Ở đâu đi chăng nữa thì căn bản là “bảng điện tử thôi chứ không phải văn phòng”, lãnh đạo Chính phủ nói. Lý giải rõ hơn, Thủ tướng phân tích: việc này nhằm mục tiêu để thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung tại TP HCM; còn thị trường trái phiếu sẽ đặt tại Hà Nội do liên quan tới các cơ quan trung ương.
Thời lượng chất vấn dành cho Thủ tướng kết thúc lúc 11h20, với 36 đại biểu nêu câu hỏi, trong đó 7 đại biểu sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản.
-
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về “cán bộ tiếp dân”, Thủ tướng nói việc bố trí người làm rất quan trọng, vì đây là khâu đầu tiên để lắng nghe, giải quyết. Các địa phương cần bố trí cán bộ có năng lực, có trách nhiệm làm việc này, đồng thời thực hiện nghiêm Luật khiếu nại, tố cáo và chỉ thị liên quan của Bộ Chính trị. “Vừa qua ở đâu đó thậm chí bí thư, chủ tịch chưa làm tốt công tác này”, Thủ tướng nói.
Hai đại biểu đề cập việc xây dựng văn hoá từ chức ở Việt Nam là nhà sử học Dương Trung Quốc và Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế Phùng Văn Hùng. Thủ tướng tiếp thu ý kiến đại biểu và cho biết có những người do sức khoẻ, do hoàn cảnh gia đình, do năng lực mà từ chức thì hoan nghênh. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định văn hoá từ chức là cần thiết.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng khẳng định: "Nếu lặp lại ô nhiễm môi trường phải đóng cửa Formosa, không tha thứ".
-
Bao giờ Việt Nam sánh vai các cường quốc?
Đại biểu Thái Trường Giang (Tiền Giang) cho rằng, dù hội nhập sâu nhưng so với các nước trong khu vực Việt Nam còn thua. "Xin hỏi Thủ tướng khi nào Việt Nam mới sánh vai được với các cường quốc năm châu?”.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh việc cả nước đồng tâm, hiệp lực đổi mới toàn diện theo chủ trương, cương lĩnh của Đảng, xây dựng nước Việt Nam đã thoát nghèo rồi thì tiến lên có thu nhập cao hơn, tham gia nhóm đầu về thu nhập ở các nước ASEAN. “Từ thoát nghèo, lên trung bình khá, ở khu vực rồi mới ra được thế giới”, Thủ tướng nói.
Về câu hỏi của đại biểu Thái Trường Giang vì sao có nhiều vụ việc dư luận, báo chí nêu rõ sau một thời gian lại chìm xuồng như biệt thự nghìn tỷ, bổ nhiệm sai quy trình...? Thủ tướng khẳng định sẽ không có vụ nào “chìm xuồng”, vụ nào chìm thì đại biểu cứ báo ra Quốc hội, “chúng tôi sẽ xử lý”.
-
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề cập nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng. Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chương trình hành động cụ thể giao cho từng ngành, địa phương và đã giành nguồn kinh phí cho chương trình này. Tuy nhiên nguồn lực hạn hẹp, bên cạnh huy động các nguồn vốn nước ngoài như vay ODA, Trung ương và các địa phương đều bố trí ngân sách, nguồn lực xử lý biến đổi khí hậu. “Trong phạm vi của mình, Chính phủ tiếp tục lắng nghe để tiếp tục có hướng cho các giải pháp xử lý biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ bức xúc về trách nhiệm quản lý Nhà nước với các dự án đầu tư từ ngân sách kém hiệu quả. Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật khiến hàng chục nghìn tỷ vốn Nhà nước "tan thành mây khói" mà không quy được trách nhiệm cụ thể bộ, ngành nào. "Chính phủ có giải pháp nào tránh được tiêu cực này?", ông Sinh hỏi. Đồng thời cũng yêu cầu giải pháp để "quét" tận gốc tình trạng tham nhũng hiện nay.
Chia sẻ với lo lắng của đại biểu Sinh, Thủ tướng nêu nhiều nhóm biện pháp, trong đó có tiến hành cổ phần hoá, song không phải cổ phần hoá bằng bất cứ giá nào; có những lĩnh vực quan trọng thì nhà nước phải nắm giữ. Đi liền với đó là công khai kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước. Hội nghị triển khai công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức ngay sau kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ tìm giải pháp hữu hiệu để cổ phần hoá tốt nhất.
Về giải pháp phòng chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ nghiêm trị; điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, tăng cường kiểm soát quyền lực cán bộ... Ông cũng đề cao vai trò của Mặt trận, nhân dân, báo chí.
-
“Cạnh tranh lành mạnh” trong bổ nhiệm cán bộ
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu chất vấn về quy trình bổ nhiệm nhân sự, với ý kiến cử tri cho rằng có những điều chưa ổn, không phù hợp. "Có trường hợp bổ nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí còn bắn giết nhau. Chính phủ có hành động cụ thể nào để bổ nhiệm được người tài, có tâm, có tầm?", ông Trí nói.
Cho rằng quy trình bổ nhiệm cán bộ triển khai lâu nay cơ bản tốt, tuy nhiên cũng có sơ hở, Thủ tướng cho hay tới đây Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu đưa ra quy trình minh bạch, phát hiện những tiêu cực từ cơ sở.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, cái gốc là vấn đề cán bộ, làm tốt vấn đề này sẽ khắc phục được những điểm yếu khác. Giải pháp đột phá trong công tác cán bộ phải chú ý tới tính cạnh tranh lành mạnh, qua thi cử, thử thách năng lực, đánh giá công khai… “Nếu làm tốt những biện pháp này thì công tác cán bộ sẽ tốt hơn”, Thủ tướng nói.
-
Về cộng đồng ASEAN, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã thể hiện là thành viên chủ động, tích cực. Đây là thị trường lớn thứ 3 sau EU, Mỹ vì vậy việc trao đổi hợp tác trong thời gian tới rất quan trọng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác toàn diện với khu vực này, đặc biệt khắc phục điểm yếu xuất khẩu sang ASEAN. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp chủ động hơn trong phát triển thị trường tiềm năng ASEAN trên cơ sở chính sách cởi mở của Chính phủ.
-
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc làm thế nào để đạt GDP 2017 tăng 6,7% trong điều kiện đảm bảo ổn định vĩ mô, an toàn nợ công, Thủ tướng cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam còn thấp, thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD là còn nhỏ, vấn đề tăng trưởng liên quan nhiều yếu tố như giải quyết việc làm, nợ công. Bối cảnh hiện nay có khó khăn, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức, cần sử dụng nhiều biện pháp về đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu Chính phủ, đẩy mạnh xuất khẩu…, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh để người dân hăng hái sản xuất.
Thủ tướng cũng khẳng định đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, cụ thể như tiền tệ, năng lượng, lương thực…
Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng nói xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là cần thiết để độc lập tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển các thế mạnh nông nghiệp du lịch, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân thương hiệu Việt, tổ chức thị trường để không thua trên sân nhà.
Đề cập thế mạnh nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng Việt Nam có lợi thế mà không phải nước nào cũng có, theo đó giải pháp là nới hạn điền, cho tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thương mại, dịch vụ, vốn, đưa doanh nghiệp về nông thôn…
Về môi trường đầu tư, Thủ tướng khẳng định đã có tiến bộ, tăng bậc trong xếp hạng quốc tế. Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, bàn các giải pháp về tiếp cận tín dụng, đăng ký quyền tài sản, khởi nghiệp, nộp thuế, điện, hải quan…
-
Không dùng thuế của dân cứu dự án thua lỗ
Đối với 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không sử dụng tiền thuế của dân bù cho việc thua lỗ này. Xử lý trên tinh thần dự án nào không sử dụng được thì bán hay cho phá sản. Với từng dự án Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để có hướng giải quyết tối ưu nhất, báo cáo kết quả với Quốc hội.
-
Trước lo lắng của đại biểu về cạnh tranh của doanh nghiệp FDI, Thủ tướng cho biết, 10 tháng năm 2016 Việt Nam thu hút khoảng 12 tỷ USD vốn FDI. Vốn FDI vào nhiều, góp phần phát triển kinh tế nhưng ông cũng lưu ý, không thể để mọi khâu, mọi việc FDI làm hết, phải xây dựng đội ngũ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, khoẻ hơn để cạnh tranh với khối doanh nghiệp ngoại.
-
Xây dựng luật về sử dụng công sản
Nhìn nhận vấn đề sử dụng tài sản công tại các trụ sở, xe công... còn lãng phí, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng Luật về vấn đề này. Trước tiên là giải pháp về tiêu chuẩn, định mức theo hướng công khai, khoán kinh phí... Đơn vị nào để lãng phí tài sản công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.