Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai lãnh đạo nhất trí đôi bên cần tăng cường phối hợp để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đồng thời khẳng định cần tập trung nỗ lực để sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm mang lại lợi ích cho hai quốc gia và cả khu vực, theo thông cáo bộ ngoại giao.
Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hai lãnh đạo thống nhất tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN - Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Abe dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - ASEAN vào tháng 9/2018 tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Erna Solberg đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước hiệu quả hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp Na Uy tăng đầu tư vào Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi thương mại song phương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp lương thực ổn định lâu dài cho Bangladesh. Thủ tướng cũng đề xuất mong muốn Bangladesh ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai lãnh đạo nhất trí tăng cường các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược, an ninh - quốc phòng, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Nhận lời mời thăm Việt Nam từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Macron cho biết mong muốn thăm Việt Nam trong năm 2019.
Gặp Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Italy ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và mời Thủ tướng Italy sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng Conte đã nhận lời.
Tại cuộc gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri, hai lãnh đạo khẳng định coi trọng mỗi nước trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhau và hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác mang tầm chiến lược giữa hai quốc gia.
Tổng thống Argentina mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Argentina năm 2018, khẳng định mong muốn thăm Việt Nam vào năm 2019 nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.
Cũng trong thời gian dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn gặp, trao đổi với Tổng thống các nước Haiti, Senegal, Nam Phi về các biện pháp mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và những quốc gia này, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Sau phiên họp thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng ý kiến tư vấn của các tổ chức WB và IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng đồng thời mong WB tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo và muốn IMF theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tiếp tục tư vấn cho chính phủ về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng.
Tổng giám đốc Kristalina Georgieva khẳng định WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tổng giám đốc Christine Lagarde trong khi đó tuyên bố IMF ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các công việc chung của Liên Hợp Quốc. Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa. Thủ tướng đề nghị Tổng thư ký Antonio Guterres ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tổng thư ký Guterres cho hay ông mong muốn được thấy Việt Nam trở thành thành viên tích cực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.