Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ, ngày 14/7, khi đại diện doanh nghiệp phản ánh liên quan tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững chuỗi lúa gạo.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp triển khai bước đầu đạt hiệu quả. Ông đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Đồng thời, ngân hàng có hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận các chương trình tín dụng liên quan. Song song đó, các doanh nghiệp cần xây dựng dự án cụ thể và khả thi để phía ngân hàng cho vay vốn.
Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Mục tiêu chương trình đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong vùng trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...
Chương trình cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Đề án đang triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Mô hình rộng 50 ha thực hiện ở Hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho thấy nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg mỗi ha, giảm lần bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch...
Ngoài ra, lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng mỗi kg so với canh tác bình thường. Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg mỗi ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn mỗi ha so với 5,8-6,1 tấn mỗi ha ở cách làm truyền thống...
Hiện, mỗi năm miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng cũng cho biết những năm qua Chính phủ ưu tiên nguồn lực chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long, riêng năm 2023 là 5.000-6.000 tỷ đồng.
Năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao xây dựng đề án tổng thể về phòng chống sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó huy động các nguồn lực để thực hiện.
An Bình