"Chúng tôi ủng hộ mở phiên họp bất thường để giải quyết xung đột này", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha nói với phóng viên hôm nay, đồng thời cảnh báo người biểu tình không vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Thái Lan là lãnh đạo chính đảng lớn trong Hạ viện hoặc lãnh đạo đảng liên minh đa số được hình thành sau tổng tuyển cử. Ông Prayut hiện là lãnh đạo liên minh đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath).
"Tôi yêu cầu người biểu tình hãy biểu tình một cách hòa bình. Chính phủ đã thỏa hiệp ở một mức độ nào đó", ông nói thêm.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha tại cuộc họp báo ở Bangkok hôm 16/10. Ảnh: AFP.
Biểu tình bùng phát ở Thái Lan từ tháng 7, đa phần không có thủ lĩnh, đang kêu gọi ông Prayut từ chức, sửa đổi hiến pháp do quân đội soạn thảo mà người biểu tình cho rằng đã giúp ông Prayut đắc cử năm ngoái.
Đáng chú ý, người biểu tình cũng đưa ra yêu cầu chưa từng khi đòi cải cách chế độ quân chủ quyền lực và giàu có. Họ muốn bãi bỏ luật phỉ báng hà khắc, được sử dụng để bảo vệ Quốc vương Maha Vajiralongkorn khỏi những chỉ trích, kêu gọi minh bạch hơn về tài chính hoàng gia và không để hoàng gia tham gia chính trị.
Tuy nhiên, ông Prayut tuyên bố chính phủ cần bảo vệ chế độ quân chủ. "Đây là nghĩa vụ của tất cả người Thái", ông nói với phóng viên.
Hàng chục nghìn người, chủ yếu là thanh niên, đã xuống đường tuần trước, bất chấp sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 4 người. Cảnh sát chống bạo động tối 16/10 sử dụng vòi rồng, khiến người biểu tình rút lui nhưng họ tiếp tục xuống đường ngay hôm sau.
Cảnh sát cho biết khoảng 20.000 người đã biểu tình trên khắp thủ đô Bangkok hôm 18/10, dù các nhà hoạt động và truyền thông địa phương ước tính con số lớn hơn nhiều. Phong trào dường như đang được thu hút trên khắp đất nước với các cuộc biểu tình nhỏ hơn diễn ra hôm 18/10 từ Phuket ở phía nam đến Khon Kaen ở phía đông bắc.
Các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra trong hòa bình. Sự cố duy nhất mà chính phủ viện dẫn để áp dụng các biện pháp khẩn cấp, dẫn tới lệnh bắt hai người biểu tình, là việc đám đông vây quanh xe chở Hoàng hậu Suthida và la ó. Tuy nhiên, giới chức cho hay các cuộc biểu tình đang gây tổn hại kinh tế và an ninh quốc gia.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn hôm 16/10 không đề cập trực tiếp tới các cuộc biểu tình gần đây, song nhắn gửi người dân nên "yêu đất nước và yêu chế độ quân chủ".
Lệnh triệu tập họp quốc hội khẩn cấp được đưa ra khi người biểu tình lên kế hoạch tiếp tục xuống đường trong hôm nay. Cùng ngày, cảnh sát cảnh báo truyền thông địa phương rằng việc họ đưa tin biểu tình sẽ bị rà soát, xem có nội dung bất hợp pháp hay không. Động thái khiến nhiều phóng viên phản đối.
Huyền Lê (Theo AFP)