"Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã không đọc tất cả những câu từ như hiến pháp quy định. Do đó việc tuyên thệ nhậm chức chưa hoàn tất", Raksagecha Chaechai, tổng thư ký Cơ quan Thanh tra Thái Lan nói với các phóng viên hôm 27/8 tại Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth cùng 35 bộ trưởng hôm 16/7 tuyên thệ trung thành với Vua Maha Vajirusongkorn trong buổi lễ tại cung điện ở Bangkok. Cảnh quay trên truyền hình cho thấy Prayuth cầm giấy đọc lời thề trung thành với quốc vương và thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, ông đã bỏ qua câu cuối cùng, trong đó thề bảo vệ và tuân thủ hiến pháp.
Raksagecha cho biết Tòa án Hiến pháp sẽ phải ra phán quyết về cáo buộc này vì một buổi tuyên thệ không hoàn chỉnh có nghĩa là tất cả hành động của chính phủ có thể bị coi là vi hiến.
Prayuth từ chối bình luận khi các phóng viên hỏi về tuyên bố của Cơ quan Thanh tra.
Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, đã hủy bỏ hiến pháp cũ sau khi ông lãnh đạo quân đội đảo chính năm 2014, lật đổ chính quyền của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia do quân đội kiểm soát bầu ông Prayuth là thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2014, hai tháng trước khi ông rời quân ngũ. Prayuth tái đắc cử Thủ tướng Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3.
Prayuth hôm 8/8 cho biết ông chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự thiếu sót trong lễ tuyên thệ và xin lỗi, đồng thời đảm bảo rằng chính phủ sẽ hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, ông không nói rõ sẽ khắc phục tình hình như thế nào.
Cơ quan Thanh tra Thái Lan được thành lập năm 2000 và người đứng đầu do Quốc vương bổ nhiệm, chịu trách nhiệm xem xét, điều tra và mang lại công lý cho những người bị công chức, nhân viên nhà nước đối xử bất công. Theo Hiến pháp năm 2007, Cơ quan Thanh tra được bổ sung vai trò lớn hơn là giám sát hành vi đạo đức của các chính trị gia, quan chức chính phủ hoặc công chức nhà nước cũng như thiết lập quy tắc đạo đức để các cơ quan nhà nước tuân theo.
Huyền Lê (Theo Reuters)