Quyết định được đưa ra sau khi tòa án đồng ý xét xử vụ kiện do các đảng đối lập khởi kiện với lập luận rằng ông Prayuth, người lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, đã đạt giới hạn 8 năm nhiệm kỳ. Hiến pháp năm 2017 của Thái Lan cấm thủ tướng tại vị hơn 8 năm.
"Tòa đã xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu, xác định rằng có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng xảy ra trường hợp như khiếu nại", tuyên bố hôm nay của Tòa Hiến pháp Thái Lan cho hay. "Do đó, đa số thẩm phán (5/9) cho rằng Thủ tướng Prayuth cần bị đình chỉ chức vụ từ ngày 24/8, cho đến khi tòa đưa ra phán quyết".
Thủ tướng lâm thời sẽ được bổ nhiệm để lãnh đạo chính phủ. Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan nhiều khả năng sẽ được lựa chọn.
Ông Prayuth sẽ có 15 ngày để đệ trình phản hồi cho tòa án, sau khi nhận được bản sao đơn kiện của các đảng đối lập.
Vài trăm người biểu tình phản đối chính phủ đã tập hợp tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok hôm 23/8, trước phán quyết của tòa, và các cuộc biểu tình tiếp theo được lên kế hoạch.
Trong khi đó, những người ủng hộ lãnh đạo 68 tuổi lập luận rằng thời gian nắm quyền của ông bắt đầu được tính khi hiến pháp năm 2017 được thông qua, hoặc thậm chí sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Nếu theo logic này, ông Prayuth có thể tiếp tục tại nhiệm cho đến năm 2025 hoặc 2027, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 3/2023.
Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Ông đứng đầu chính quyền quân sự 5 năm và tiếp tục làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Ông Prayuth ngày càng không được cử tri ủng hộ. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi muốn ông rời chức vụ ngay lập tức.
Dưới sự lãnh đạo của ông Prayuth, kinh tế Thái Lan được đánh giá là tồi tệ nhất trong 30 năm và chính phủ của ông cũng phải đối mặt những chỉ trích về ứng phó đại dịch Covid-19. Các cuộc biểu tình do thanh niên lãnh đạo ở Bangkok năm 2020 đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia, đòi ông Prayuth từ chức.
Cảnh sát hôm nay đặt các container vận chuyển trên một số đường phố gần các tòa nhà chính phủ để đề phòng các cuộc biểu tình mới.
Đây không phải là lần đầu Tòa Hiến pháp tác động đến chính trường Thái Lan. Tòa án này từng hủy kết quả tổng tuyển cử năm 2006 và 2014.
Huyền Lê (Theo AFP)