Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Vicha Mahakun cho hay cơ quan này sẽ điều tra tham nhũng với bà Yingluck và 15 người khác có liên quan đến chương trình hỗ trợ này, trong đó có một cựu bộ trưởng thương mại.
Theo AFP, với cuộc điều tra này, Thủ tướng Yingluck phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ hạ bệ chính phủ của bà.
Những người chỉ trích cho rằng chương trình hỗ trợ lúa gạo được lập ra để thu hút sự ủng hộ cho đảng Pheu Thai của bà Yingluck ở khu vực miền bắc. Họ cho rằng chương trình này được coi là tham nhũng và khiến cả nước tồn đọng một núi gạo không bán được.
Trước đó, hơn 300 nghị sĩ thuộc đảng Pheu Thái cũng phải đối mặt với cáo buộc của Ủy ban Chống Tham nhũng về hành vi lạm quyền. Nếu bị kết tội, các nghị sĩ có thể bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thành lập chính phủ mới của bà Yingluck sau cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 2 tới.
Thủ tướng Yingluck kêu gọi bầu cử vào ngày 2/2 tới nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra tại Thái Lan, tuy nhiên phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử mà họ cho rằng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình Shinawatra lên nắm quyền. Các đảng ủng hộ nhà Sinawatra đều thắng trong những lần bầu cử gần đây.
Hôm nay, chính phủ Thái kêu gọi cảnh sát bắt thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban, trong khi đó người biểu tình vẫn tiếp tục phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô và dọa bắt thủ tướng. 8 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ trong hơn hai tháng qua.
Thùy Linh