Sáng 15/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa). Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay thẳng kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó quan trọng nhất là thị trường khách quốc tế. Khách từ các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày cần được quan tâm khai thác.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành du lịch cần chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách cần. Du lịch phải phát triển nhanh, bền vững, chuyển từ "du lịch một mùa" sang hấp dẫn du khách quay lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh.
Thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng du lịch cần đa dạng, vừa phát triển loại hình bình dân, vừa có du lịch sang trọng dành cho nhóm thu nhập cao. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia để thúc đẩy kết nối, thu hút thị trường khách lớn.
Trước đó tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, Đặng Minh Trường, đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 lên 180 ngày, tăng thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần. Với các quốc gia Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, cần tăng thời gian lưu trú từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày và được nhập cảnh nhiều lần.
"Chúng tôi mong muốn các quy trình rút gọn, làm sao chỉ trong một kỳ họp là sửa xong các quy định và có hiệu lực ngay", ông Trường nói.
Theo quy định hiện hành, visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì gia hạn thêm thời hạn tạm trú.
Ông Trường cũng đề xuất các cơ quan nghiên cứu gia hạn hoặc mở rộng miễn visa đơn phương, trong đó có các thị trường trọng điểm. Ông dẫn chứng, Australia chi tiêu 4 tỷ USD mỗi năm để du lịch, Canada hơn 33 tỷ USD, các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ chi từ 21 đến 26 tỷ USD, trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước đang được miễn visa. Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia, cho phép 80 quốc gia được phép xin e-visa.
Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 21% khách nội địa, nhưng doanh thu nhóm này chiếm gần hai phần ba tổng thu từ du lịch. Lý do bởi khách quốc tế lưu trú dài, trung bình 8-12 ngày, thậm chí có những nhóm khách ở lại 15 ngày, chi 1.100 đến 2.000 USD mỗi chuyến đi. Trong khi đó, khách nội địa chủ yếu đi cuối tuần, thời gian lưu trú 1-2 ngày.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đề nghị tăng thêm thời hạn miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày để khách có thời gian đi, chi tiêu nhiều hơn, giúp doanh thu ngành du lịch tăng.
Để có những đột phá về đón khách quốc tế và tăng tính cạnh tranh, Việt Nam cần cải cách mạnh hơn. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đón 40 triệu. Con số dự kiến của năm 2023 lần lượt là 8 triệu và 25 triệu. Tới năm 2030, Việt Nam dự kiến đón 35 triệu khách quốc tế thì Thái Lan đã có kế hoạch vượt 80 triệu trước đó vài năm. "Nếu chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì sẽ về sau", ông Trường bày tỏ.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay dù đã nỗ lực nhưng sau một năm mở cửa (từ 15/3/2022), khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là chính sách visa "có nhiều tiến bộ nhưng so với các nước thì vẫn khiêm tốn".
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Hùng đề xuất sau hội nghị, Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách miễn thị thực, đề xuất Quốc hội bổ sung một số chính sách tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu dự kiến 650.000 tỷ đồng.