Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện nghị quyết 18 chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời yêu cầu việc sắp xếp bộ máy cần gắn với thực hiện chính sách thu hút người tài vào khu vực công.
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình tinh gọn bộ máy phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các nhóm để ổn định cuộc sống; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Chế độ, chính sách phải có tính nhất quán, kế thừa từ trước đến nay và cao hơn chính sách hiện hành; tinh thần là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các cơ quan tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc ngay sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng chính sách phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn người nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện báo cáo, tờ trình để trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng cũng lưu ý việc thiết kế chính sách theo hướng dễ hiểu, dễ tính, dễ nhớ, dễ làm; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng về nội dung này.
Không hợp nhất mang tính cơ học
Làm việc với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hai đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách, tiêu chí rõ ràng khi đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng... với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp lại bộ máy, nhân sự.
Theo ông Hà, phương án hợp nhất hai bộ cần đảm bảo khoa học, có tiêu chí mang tính định lượng, thuyết phục, toàn diện, khách quan, minh bạch. Đây là việc lớn, khó, nhạy cảm, tuy nhiên hai Bộ đã thống nhất trong tập thể lãnh đạo, Ban Cán sự Đảng, các đơn vị, theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Nêu rõ yêu cầu "hợp nhất không mang tính cơ học, hợp sức để mạnh hơn", Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai bộ tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ dựa trên sứ mệnh đặt ra cho bộ mới, từ đó thiết kế tổ chức bộ máy để thực hiện cho phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng, "nhiệm vụ nào, tổ chức đó".
Những nhóm chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo, trùng lặp phải sắp xếp theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ không thể giao cho hai tổ chức. Bộ mới sau hợp nhất cần kiện toàn bộ máy, tổ chức để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ làm chưa tốt hoặc được bổ sung theo sứ mệnh, mục tiêu mới.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết hai Bộ đang rà soát kỹ lưỡng nhằm thống nhất phương án hợp nhất trên tinh thần bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định phương án hợp nhất giữa hai Bộ bám rất sát chủ trương chung và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ. "Hai Bộ đã xác định nhiệm vụ và vận hành của bộ mới sau khi hợp nhất. Lãnh đạo hai Bộ đang rà soát xử lý những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế xây dựng, một số doanh nghiệp trực thuộc", ông Nghị nói.
Theo kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, dự kiến có 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ sẽ duy trì, chỉ tinh gọn bên trong. 14 bộ, cơ quan ngang bộ được định hướng sắp xếp và hợp nhất. Trong đó Bộ Giao thông Vận tải hợp nhất với Bộ Xây dựng, dự kiến lấy tên là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất, dự kiến tên sau sắp xếp là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường. Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ, tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học Công nghệ và Truyền thông.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hợp nhất, dự kiến tên là Bộ Nội vụ và Lao động. Chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.