Thủ tướng vừa phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc, với mục đích trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.
Phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc là 1.000 ha; riêng quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch là 156,7 ha.
Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc được tổ chức thành 4 khu: thác Bản Giốc; cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn; cảnh quan sinh thái lâm nghiệp đồi núi và cảnh quan sinh thái nông nghiệp.
Trong đó, khu vực cảnh quan thác Bản Giốc rộng khoảng 20 ha, được bảo tồn và phát huy các cảnh quan đặc trưng hiện hữu gồm: thác nước chính, thác nước phụ; cánh đồng lúa; đồi thông; lạch suối; hệ thống cây xanh lâu năm; cải tạo hệ thống cây bụi, cây tạp bằng cây xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực và không che chắn tầm nhìn đến thác nước.
Khu vực cảnh quan mặt nước sông Quây Sơn rộng khoảng 22 ha, phạm vi xác định trong hành lang thoát lũ của sông Quây Sơn. Nơi này sẽ được tổ chức các loại hình du lịch đặc trưng gắn với dòng sông; bổ sung hệ thống cầu gỗ cảnh quan liên kết các cồn trên sông phục vụ đi bộ, khai thác du lịch; tổ chức bến thuyền kết hợp công trình dịch vụ tiếp giáp với bờ sông với quy mô xây dựng khoảng 1000 m2.
Thủ tướng nêu rõ, quá trình bảo tồn, cải tạo chỉnh trang và xây dựng không được ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước và cảnh quan tự nhiên của dòng sông.
Dự kiến đến năm 2020, thác Bản Giốc sẽ đón khoảng 750.000 lượt du khách, có 1.010 phòng cho khách lưu trú; đến năm 2030 đạt 1,2 triệu lượt khách và 1.750 phòng.
Thác Bản Giốc, nằm ở xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Bản Giốc được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. |
Anh Duy