Theo quyết định của Thủ tướng, chương trình mới, sách giáo khoa mới sẽ được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu... cho mỗi học sinh.
Chương trình mới, sách giáo khoa mới sẽ lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Chương trình cũng tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đồng thời đảm bảo giảm tải, thiết thực, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các nước giáo dục phát triển, đảm bảo hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng đồng ý sẽ có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Sau đó, nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn những bộ sách phù hợp.
Thủ tướng nhắc nhở, chương trình mới, sách giáo khoa mới phải đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản, trang bị tri thức phổ thông nền tảng toàn diện và thực sự cần thiết. Giai đoạn giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông.
Chương trình mới, sách giáo khoa mới được biên soạn theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên; đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.
Theo quyết định phê duyệt, đề án trên được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015 đến 2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hoàng Thùy