Sáng 30/10, Thủ tướng chủ trì hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong ba trụ cột để phát triển đô thị, quy hoạch phải đi trước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Nếu quy hoạch lúng túng, chậm chạp thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, không đột phá.
"Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì sẽ có đô thị trật tự và phát triển", ông nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, hạ tầng đô thị cần được đầu tư hiện đại trên cơ sở huy động các nguồn lực, có cơ chế kết hợp hài hòa giữa nguồn lực bên ngoài và bên trong, giữa Nhà nước với xã hội. Dù còn nhiều vướng mắc, với cơ chế hiện có, ông Chính cho rằng các địa phương vẫn có thể làm được nếu lãnh đạo tập trung suy nghĩ, vận dụng tối đa các quy định trên tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, cần xác định quy hoạch là khâu quyết định để thúc đẩy đô thị hóa bền vững. Khoa học công nghệ, nhất là nền tảng số phải được ứng dụng; nguồn lực cho quy hoạch phải tương xứng. Các nhiệm vụ quy hoạch cần có tư duy tiếp cận mở, khoa học và phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn.
"Cần có cơ chế phù hợp để hình thành hệ thống đô thị mới với khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển đô thị vệ tinh, giảm tải cho đô thị lớn", ông Tuấn Anh nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, các đô thị Việt Nam thường nằm gần bờ biển, quy hoạch chưa tính đến biến đổi khí hậu. Vì vậy, đô thị là khu vực dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Vì vậy, Bộ này đề xuất tham khảo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị. Các địa phương cần đánh giá tác động, mức độ dễ bị tổn thương, rủi ro và thiệt hại do biến đối khí hậu trong quy hoạch gây ra; tăng diện tích cây xanh đô thị để hạn chế hiện tượng đảo nhiệt đô thị và tăng hấp thụ khí nhà kính.
"Cần xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng, phát triển đô thị phải theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai và kịch bản nước biển dâng", Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất.
Ưu tiên xây dựng đường bộ cao tốc ở cửa ngõ thành phố lớn
Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian qua đã ưu tiên xây dựng nhiều tuyến đường bộ cao tốc tại cửa ngõ các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM. Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM cũng được quan tâm để giải quyết ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, hệ thống đường vành đai, cao tốc hướng tâm, tuyến nối đô thị vệ tinh với trung tâm chậm hình thành; đường sắt đô thị chưa được đầu tư theo quy hoạch; chưa hình thành sân bay đầu mối, chậm nâng cấp sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị chưa hiệu quả, thị phần thấp. Phương tiện cá nhân chiếm tỉ trọng lớn, khó kiểm soát.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục đầu tư khép kín các Vành đai 4, 5 Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM; đường xuyên tâm chính như TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Mộc Bài; hệ thống giao thông công cộng, giao thông ngầm. Tình trạng ngập úng, ùn tắc sẽ được khắc phục.
"Hệ thống đường sắt đô thị được tập trung đầu tư, ưu tiên triển khai hai đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
UBND TP HCM cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các địa phương khác triển khai dự án kết nối như Vành đai 3, 4; cao tốc TP HCM - Mộc Bài; TP HCM - Chơn Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Đồng Nai - Lâm Đồng. Cao tốc TP HCM - Long Thành sẽ được mở rộng.
Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP HCM, trước mắt đầu tư đoạn Nha Trang - TP HCM và TP HCM - Cần Thơ...