Điện Elysee ngày 8/1 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Elisabeth Borne. Bà Borne cùng các bộ trưởng trong nội các của mình sẽ tiếp tục xử lý công việc với tư cách thủ tướng tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Theo AFP, trong đơn từ chức, Thủ tướng Borne đã ám chỉ mong muốn tiếp tục đảm nhiệm vị trí đứng đầu chính phủ. Tổng thống Emmanuel Macron viết trên X rằng ông cảm ơn bà Borne "vì đã phục vụ đất nước một cách mẫu mực".
Bà Borne, 62 tuổi, nhậm chức hồi tháng 5/2022, là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Pháp.
Tổng thống Macron chưa nêu tên người kế nhiệm bà Borne. Trong số các ứng viên tiềm năng có Bộ trưởng Giáo dục Gabriel Attal, 34 tuổi, và Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu, 37 tuổi. Nếu một trong hai người được bổ nhiệm, họ đều sẽ là thủ tướng trẻ nhất của Pháp.
Cựu bộ trưởng nông nghiệp Julien Denormandia, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cũng là lựa chọn phù hợp cho vị trí người đứng đầu chính phủ. Nguồn tin thân cận với Tổng thống Macron nói ông có thể công bố người kế nhiệm bà Borne trong sáng 9/1.
Ông Macron từng làm dấy lên đồn đoán về cải tổ chính phủ hồi tháng trước, khi hứa hẹn về một sáng kiến chính trị mới sau năm 2023 nhiều tranh cãi liên quan đến các cải cách về hệ thống lương hưu và luật nhập cư cũng như tình trạng bạo loạn tại một số đô thị. Việc thông qua luật nhập cư cứng rắn gần đây đã gây rạn nứt trong liên minh cầm quyền, buộc ông Macron hứa hẹn về một sáng kiến chính trị mới.
Trước khi Thủ tướng Borne từ chức, ông Macron đã gặp bà vào tối 7/1, được cho là nhằm bàn về việc cải tổ nội các. Đây sẽ là lần cải tổ nội các thứ ba kể từ khi ông Macron tái đắc cử. Ông Macron cũng đã hoãn cuộc họp nội các đầu tiên của năm 2024, khiến giả thuyết này càng được củng cố.
Tại Pháp, tổng thống là người đưa ra các chính sách chung, nhưng thủ tướng quản lý hoạt động của chính phủ, đồng nghĩa sẽ chịu trách nhiệm khi chính quyền gặp bê bối.
Tổng thống Macron sẽ không thể tái tranh cử năm 2027, vì ông đã đạt giới hạn hai nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp. Việc cải tổ nội các được cho là nhằm giúp tạo thêm lợi thế cho ứng viên của đảng Renaissance cầm quyền, tránh thất bại trước đảng đối lập Mặt trận Quốc gia Pháp (NR) của bà Marine Le Pen, trong bối cảnh nhiều chính trị gia tin bà Le Pen sẽ đắc cử.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)