![]() |
Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội, sáng nay. Ảnh: P.L. |
- Sau khi Thủ tướng bày tỏ nguyện vọng bàn giao chức vụ ngay tại kỳ họp này, vấn đề người kế nhiệm sẽ được tính đến như thế nào, thưa Thủ tướng?
- Những năm qua, đất nước đi lên trong đó có một phần đóng góp nhỏ của tôi, đó là niềm vui. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều mà tôi chưa làm được. Sắp tới, một người có kinh nghiệm, được đào tạo, rèn luyện lâu năm ở Chính phủ sẽ thay tôi.
- Thủ tướng đề cử ai là người thay thế mình?
- Đương nhiên là có. Ông ấy làm việc với tôi nhiều năm, đã được tập sự, đào tạo và cũng nhiều năm làm Phó thủ tướng rồi. Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị nhưng Quốc hội phải phê chuẩn.
- Còn danh sách các Bộ trưởng thay thế ở một số bộ thì sao, thưa Thủ tướng?
- Theo luật, Thủ tướng mới sẽ đề nghị. Đương nhiên Thủ tướng cũ cũng có bàn bạc, trao đổi. Nhân sự cấp cao thì không phải Thủ tướng quyết định mà phải Bộ Chính trị, rồi TƯ Đảng. Các chức danh mà BCH TƯ quyết định là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, còn Bộ trưởng thì TƯ tham gia góp ý kiến.
- Thủ tướng tiên đoán thế nào về khả năng Quốc hội thông qua nhân sự mà Chính phủ đã dự kiến?
- Chính phủ đã có dự kiến và tôi nghĩ rằng Quốc hội sẽ chấp thuận. Tôi đã hơn bảy mươi tuổi rồi thì nên nghỉ để thế hệ trẻ hơn làm. Ở VN, lãnh đạo nghỉ không có đảo lộn, chúng ta đã có sự chuẩn bị, ít nhất là 7-8 năm rồi.
- Một vấn đề được nhắc lại nhiều lần trong các báo cáo của Chính phủ là vấn đề cải cách hành chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh. Theo Thủ tướng, vấn đề này sẽ được tiếp tục như thế nào trong thời gian tới?
- Ở nước ta, luật pháp, chính sách đầy đủ, nhưng việc tổ chức thực hiện ở phía dưới còn có trở ngại. Bộ máy hành chính chưa tốt, vẫn còn hiện tượng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Sắp tới sẽ ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là khi chúng ta gia nhập WTO.
Trên thế giới, những gì mà mình chưa phù hợp thì phải cải tiến. Doanh nghiệp phải có điều kiện làm ăn thì đất nước mới giàu mạnh. Đảng lãnh đạo đường lối; Chính phủ quản lý nhà nước qua cơ chế, chính sách; Quốc hội làm luật. Còn làm ra của cải là dân và doanh nghiệp. Hiện nay, có 200.000 doanh nghiệp, làm sao có 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì người dân sẽ có công ăn, việc làm. 84 triệu dân mà làm có 53 tỷ USD thì còn nhỏ, tính ra bình quân 640 USD/người.
- Thủ tướng nghĩ sao về ý kiến nên thành lập một ban chống tham nhũng?
- Sắp tới, nếu Quốc hội cho phép sẽ có một Phó thủ tướng chịu trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng và có một Ban chỉ đạo của phòng, chống tham nhũng của cả Đảng và nhà nước. Tôi cho rằng nên thành lập một ban với đại diện của các ban Đảng, Quốc hội, Viện kiểm sát, tòa án, công an, thanh tra, Ban nội chính. Đây là ban chỉ đạo chống tham nhũng của Đảng, của nhà nước. Tôi rất kỳ vọng có ban này sẽ phòng chống tham nhũng tốt hơn.
- Nhiệm kỳ này của Thủ tướng đã ghi dấu ấn trong quan hệ Việt - Mỹ. Sắp tới chuyển giao trách nhiệm thì quan hệ sẽ tiếp tục như thế nào?
- Nói chung đường lối đối ngoại của VN đã được khẳng định. Phải độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, rất chú trọng tới các nước lớn, kể cả các khu vực và các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latin đều là bạn bè của VN. Chúng ta thực hiện phương châm VN là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
- VN và Mỹ đã kết thúc phần đàm phán gia nhập WTO. Vậy theo Thủ tướng, chặng đường tới VN sẽ làm gì để hoàn tất quá trình này với Mỹ?
- Hai đoàn đã thỏa thuận xong các nội dung cơ bản để sẽ ký kết thoả thuận Mỹ ủng hộ VN gia nhập WTO. Còn làm thế nào để VN hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn là thuộc thẩm quyền của Quốc hội Mỹ. Hôm sang VN, Chủ tịch Hạ viện Mỹ có nói ủng hộ VN hưởng PNTR.
V.Anh - P.Lan (ghi)