Thủ tướng Phan Văn Khải. |
- Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ trong 30 năm. Ông thấy điều quan trọng trong chuyến đi này là gì?
- Tôi nghĩ chuyến thăm Mỹ của tôi đóng vai trò quan trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam cao cấp tới Mỹ và nhà lãnh đạo của một nước Việt Nam thống nhất. Chuyến đi này là lần đầu tiên trong 30 năm và đặc biệt là trong 10 năm kể từ ngày hai nước bình thường hóa quan hệ. Mục đích của chuyến thăm này là thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Qua đây, chúng tôi hy vọng xây dựng mối quan hệ ổn định, lâu dài, mang tính xây dựng giữa hai nước. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mở rộng quan hệ với Mỹ.
- Ông sẽ có đề nghị cụ thể gì với Tổng thống Bush?
- Thứ nhất là đặt ra khuôn khổ cho mối quan hệ lâu dài trong thế kỷ 21. Thứ hai, tôi mong muốn Tổng thống Bush tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ ba là thiết lập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO). Thứ tư là công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường với việc dỡ bỏ đạo luật bổ sung Jackson-Vanick (bác bỏ quy chế tối huệ quốc với những nước không cho phép di cư tự do). Thứ năm là giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ chiến tranh. Chúng tôi muốn Mỹ có những hình thức trợ giúp thích hợp để xóa bom mìn và giúp các nạn nhân chất độc da cam. Đó là những vấn đề nhân đạo với Việt Nam.
- Ông đánh giá thành quả nào là lớn nhất trong mối quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ?
- Kể từ khi hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực, thương mại hai chiều đã tăng từ 1,5 tỷ USD trong năm 2001 lên 6,4 tỷ USD năm 2004, tăng gấp 20 lần so với năm 1995.
Quan hệ giữa hai nước cũng phát triển trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, khoa học, công nghệ, chống khủng bố và y tế. Các vấn đề nhân đạo cũng có những bước tiến triển. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ và chủ động với Mỹ trong việc tìm kiếm thi thể lính Mỹ tại Việt Nam. Mỹ trợ giúp Việt Nam trong công tác dọn mìn, tìm thi thể quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh và trợ giúp người tàn tật, đặc biệt là những trẻ em ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá.
Ở những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng và an ninh, chúng tôi đã nhất trí với Mỹ thực thi IMET (Đào tạo Quân sự Quốc tế) và sẽ có những bước đi để Việt Nam tham gia chương trình này. Bước đầu tiên là đào tạo tiếng Anh hoặc đào tạo chuyên môn về y tế và quân sự. Sau đó, dựa trên nhu cầu và yêu cầu, chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp để tham gia hơn nữa. Trong chuyến thăm Washington, tôi sẽ có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và thông báo về vấn đề này.
Chúng tôi cũng sẽ có thỏa thuận về hợp tác tình báo. Sứ quán Việt Nam tại Washington và sứ quán Mỹ ở Hà Nội sẽ có nhân viên chia sẻ thông tin tình báo, đặc biệt là về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và rửa tiền. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi tin tình báo.
- Tại sao Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự và an ninh với Mỹ?
- Các diễn biến quan trọng trong mối quan hệ Việt - Mỹ 10 năm qua đã mở đường cho hai nước tiếp tục phát triển hợp tác về an ninh và quốc phòng bằng cách chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và rửa tiền.
Khủng bố đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi cuộc sống con người và để ngăn chúng gây những hậu quả nghiêm trọng với người dân vô tội đã trở thành một vấn đề cấp thiết cần nỗ lực chung và sự hợp tác giữa các nước. Việt Nam không phải ngoại lệ. Chúng tôi đã cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và với Mỹ trong chống khủng bố. Việt Nam đã tích cực hợp tác với Mỹ trên một số lĩnh vực cụ thể, trong đó có tăng cường an ninh cho các cơ quan đại diện Mỹ tại Việt Nam, tăng cường hợp tác chống rửa tiền, chia sẻ thông tin về tội phạm xuyên quốc gia... Đồng thời, chúng tôi kêu gọi Mỹ và các nước liên quan hợp tác với Việt Nam ngăn chặn và trừng phạt những kẻ tìm cách hoạt động khủng bố chống Việt Nam.
- Trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, Việt Nam muốn gia nhập WTO vào cuối năm nay. Đạt thỏa thuận với Mỹ đóng vai trò quan trọng với chuyện này. Ông nghĩ chuyến đi này sẽ mang lại bước đột phá thế nào?
- Việt Nam luôn mong muốn kết thúc đàm phán song phương. Và một đoàn đàm phán đang làm việc tại Mỹ. Chúng tôi mong muốn Mỹ sẽ kết thúc đàm phán với Việt Nam càng sớm càng tốt.
- Việt Nam có khả năng gia nhập vào cuối năm nay?
- Tôi có niềm hy vọng mạnh mẽ rằng Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn duy nhất vì mỗi năm, WTO đều có hội nghị bộ trưởng để kết nạp thành viên mới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng quy chế thành viên WTO của Việt Nam sẽ có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là với doanh nghiệp Mỹ. Họ sẽ có cơ hội kinh doanh tốt hơn ở Việt Nam.
- Ông nói rằng cải cách chính trị phải đi cùng với cải cách kinh tế. Tiến triển kinh tế đã rõ ràng với bất kỳ du khách nào tới Việt Nam. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tốc độ cải cách chính trị ở Việt Nam không nhanh như cải cách kinh tế. Ông giải thích về chuyện này thế nào?
- Ông có biết tại sao chúng tôi lại đạt thành tựu to lớn trong cải cách kinh tế không? Cải cách chính trị là tiền đề cho cải cách kinh tế. Trước đây, Việt Nam đi theo nền kinh tế kế hoạch tập trung. Sau đó, các cơ chế mới đã đi vào hoạt động với nền kinh tế thị trường. Đây không đơn thuần là cải cách kinh tế, mà là một quyết sách quan trọng về cải cách chính trị. Tôi muốn nhấn mạnh tự do và dân chủ là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp cách mạng và đã được nhấn mạnh trong hiến pháp. Nếu gặp người dân ở Việt Nam, anh có thể thấy họ đã hài lòng hơn với cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.
- Ông đề cập đến nhân quyền và chuyện này gợi lại những gì ông từng nói với tổng thống Clinton: khái niệm nhân quyền ở Việt Nam khác với Mỹ. Ý ông là gì?
- Tôi cho rằng mục tiêu cuối cùng của cả hai nước là như nhau. Nhân quyền đã được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỹ và Việt Nam có nền tảng lịch sử khác nhau. Chế độ chính trị của hai nước cũng khác nhau. Điều kiện kinh tế cũng khác nhau. Tôi cho rằng mục tiêu cuối cùng về nhân quyền là như nhau, nhưng chúng ta có thể có những biện pháp khác nhau để đạt mục tiêu. Ở Việt Nam, người dân có quyền cao nhất quyết định vận mệnh đất nước.
- Có ít nhất 1,5 triệu người Việt Nam hải ngoại sống trên đất Mỹ. Nhiều người đã trở lại thăm hoặc làm ăn tại quê hương. Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, vẫn còn cảm giác không tin tưởng. Một số người dự định tổ chức biểu tình đòi tự do, dân chủ và chấm dứt tham nhũng. Ông sẽ nói gì với cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại về cơ hội kinh tế, tự do xã hội và chính trị ở Việt Nam ngày nay?
- Tôi nghĩ cộng đồng người Việt Nam trên thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng đều thấy các thành tựu kinh tế ở Việt Nam trong 10 năm qua. Giờ họ coi Việt Nam là một nước cải cách, an toàn, ổn định và hòa bình. Việt Nam cũng đang trong tiến trình phát triển nhanh chóng trong khu vực và thế giới. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác của tất cả các nước trên thế giới.
Vẫn còn một nhóm nhỏ những người vẫn có quan điểm định kiến, lạc hậu về Việt Nam. Chúng tôi muốn thông qua tờ báo của các ông chuyển thông điệp đến cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, những người yêu nước sống ở nước ngoài, rằng họ là một phần không thể thiếu và là nguồn lực quan trọng với đất nước. Chính sách nhất quán của chúng tôi là tăng cường đoàn kết dân tộc, đạt mục tiêu quốc gia độc lập - dân chủ và văn minh. Những người hiểu và công nhận chính sách này sẽ có quan điểm tích cực về Việt Nam.
- Ông sẽ gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Ông sẽ có cử chỉ gì với Liên Hợp Quốc, như việc gìn giữ hòa bình chẳng hạn?
- Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nghĩa vụ trên cơ sở các điều kiện của chúng tôi, Việt Nam vẫn là nước nghèo. Chúng tôi đang cố gắng đào tạo nhân lực, trong đó có nhân viên quân sự để họ có thể tham gia gìn giữ hòa bình. Chúng tôi có kinh nghiệm về phá mìn, y tế.
Nguyễn Hạnh trích dịch