"Đại sứ quán cần tiếp tục quan tâm tới bà con kiều bào bằng những cử chỉ, hành động cụ thể, thiết thực, không hình thức, không màu mè", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi gặp cộng đồng người Việt tại Ấn Độ, chiều 31/7.
Người đứng đầu chính phủ đề nghị sứ quán làm tốt hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước.
Có khoảng 500 người Việt đang sống tại Ấn Độ. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi kiều bào tại đây ngày càng phát triển, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các cơ quan sẽ ban hành cơ chế về đất đai, nhà ở, visa để tạo thuận lợi nhất cho bà con làm việc, sinh sống, học tập và đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm này, ông và các lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có tạo điều kiện cho kiều bào sinh sống, học tập, làm việc.
Lãnh đạo chính phủ đề nghị Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Ấn Độ phát huy truyền thống "con Lạc cháu Hồng", luôn tự hào là người Việt Nam, hướng về quê hương, đóng góp cho đất nước và quan hệ hai nước.
Nhắc lại sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng chia sẻ với kiều bào "đây là mất mát to lớn, tổn thất không gì bù đắp với Đảng, Nhà nước và nhân dân". Việt Nam đã tổ chức quốc tang, đón hơn 5.600 đoàn khách trong nước và quốc tế đến viếng Tổng Bí thư. Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ đã thay mặt Thủ tướng nước này đến viếng.
Về tình hình trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam chịu nhiều tổn thất và đau khổ sau chiến tranh, đến giờ vết thương chiến tranh vẫn chưa lành. Tuy nhiên, sau 35 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay".
Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Năm 2024, kinh tế Quý 2 tăng trưởng 6,93%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Về đối ngoại, trong vòng 9 tháng qua, Việt Nam đón ba lãnh đạo đến thăm là Tổng thống Mỹ Biden; Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga Putin.
"Chúng ta đạt nhiều thành tựu rất đáng tự hào, trong đó có đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", Thủ tướng nói.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng dự lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ở thủ đô New Delhi. Công trình rộng gần 3.500 m2, gồm trụ sở làm việc và nhà ở cho cán bộ, nhân viên.
Với trụ sở làm việc mới, Thủ tướng mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có thêm động lực làm việc hiệu quả.