Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2 của Chính phủ với các tỉnh, thành sáng 2/3. Người nghèo, gia đình chính sách và 8 nhóm đối tượng được Chính phủ phê duyệt cần nhanh chóng được tiêm vaccine.
Thủ tướng cho hay đợt bùng phát dịch vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội. Tuy nhiên với nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay tình hình dịch đã được kiểm soát. Việt Nam được thế giới đánh giá thành công trong việc ngăn chặn dịch.
Để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo tinh thần vaccine kết hợp quy tắc 5K; ngành y tế không được chủ quan. Nếu có hiện tượng của dịch phải truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa.
Thủ tướng nói theo Nghị quyết của Bộ Chính trị sắp tới Chính phủ sẽ giới thiệu Chính phủ mới. Do đó có thể đây là phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV và mang ý nghĩa rất quan trọng.
Vì vậy người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung vào công việc cấp bách, cần thực hiện ngay với tinh thần "tồn tại việc gì phải giải quyết ngay trong phạm vi trách nhiệm của mình". Tinh thần là bảo đảm việc chuyển giao sang Chính phủ khóa mới tốt nhất, liên tục nhất, không để các tồn đọng kéo dài.
"Lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng họp trực tiếp với các bộ, ngành trong đêm để giải quyết công việc tốt nhất", Thủ tướng nói.
Về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp đánh giá Chính phủ có tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có Tết. Hàng hóa được cung cấp đầy đủ, giá cả ổn định, không để người dân khó khăn. Tình trạng đốt pháo và các mặt khác nhìn chung giảm hẳn, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm nay giảm 0,15% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký hơn 334 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 173 nghìn người, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
Hữu Công